Những điểm chính trong kết quả đàm phán giữa Nga và Trung Quốc

Kết thúc đàm phán, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc ký hai tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc bước vào kỷ nguyên mới và về kế hoạch phát triển các lĩnh vực trọng điểm trong hợp tác kinh tế hai nước đến năm 2030.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: TASS)

Ngày 21/3, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga từ ngày 20 đến 22/3, các phái đoàn hai nước đã tiến hành đàm phán theo cả hình thức hẹp và mở rộng.

Kết thúc đàm phán, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, các cuộc hội đàm trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo trong hai ngày 20 và 21/3, cũng như đàm phán giữa các phái đoàn trong khuôn khổ hẹp diễn ra thành công, trong bầu không khí xây dựng, thân thiện và nồng ấm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảm ơn Tổng thống Nga V. Putin về lòng hiếu khách và sự chào đón nồng nhiệt. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh các cuộc đàm phán diễn ra trên tinh thần thẳng thắn, thân thiện và hiệu quả.

Về hợp tác kinh tế

Theo Tổng thống Nga V. Putin, Trung Quốc giữ vững vị trí đối tác thương mại nước ngoài hàng đầu của Nga. Dự kiến năm nay, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc vượt mốc 200 tỷ USD.

Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ, Nga sẽ tăng cường cung cấp thực phẩm cho thị trường Trung Quốc rộng lớn. Hai bên nhận thấy nhiều cơ hội xuất khẩu thịt, ngũ cốc và các loại hàng hóa khác từ Nga sang Trung Quốc. Các bộ liên quan của Nga đang tiến hành các công việc cần thiết để bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và cải thiện khả năng tiếp cận lẫn nhau đối với các sản phẩm thực phẩm.

Về phía Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, hai bên nhất trí thiết lập kế hoạch toàn diện trong hợp tác thương mại. Kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã tăng 116% trong 10 năm. Kết quả này không chỉ củng cố quan hệ song phương, mà còn tạo động lực đáng kể cho phát triển kinh tế-xã hội hai nước.

Về năng lượng, Nga vẫn là nhà cung cấp chiến lược dầu mỏ, khí tự nhiên, cũng như than và điện cho Trung Quốc. Tổng thống Nga V. Putin khẳng định doanh nghiệp Nga có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng từ nền kinh tế Trung Quốc.

Cũng trong các cuộc đàm phán, hai bên đã thảo luận về việc xây dựng đường ống dẫn khí Power of Siberia-2 đi qua Mông Cổ. Tổng thống Nga V. Putin cũng nhấn mạnh, Moskva nhận thấy nhiều tiềm năng giữa hai nước trong hợp tác phát triển Tuyến đường biển phía Bắc.

Về tình hình xung đột tại Ukraine

Liên quan tình hình xung đột tại Ukraine, Tổng thống Nga V.Putin nhấn mạnh, nhiều điểm trong kế hoạch hòa bình của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng tại Ukraine phù hợp cách tiếp cận của Nga và có thể được coi là cơ sở cho giải pháp hòa bình khi Kiev và phương Tây sẵn sàng thảo luận.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, Bắc Kinh tuân thủ quan điểm khách quan và công bằng về vấn đề Ukraine, ủng hộ hòa bình, đối thoại, cũng như tích cực thúc đẩy khôi phục đàm phán.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết, hai bên đã tiến hành tổng kết kết quả phát triển quan hệ hợp tác song phương 10 năm qua, đồng thời nhất trí rằng quan hệ Trung Quốc-Nga đã vượt xa khuôn khổ quan hệ song phương và có ý nghĩa quan trọng đối với trật tự thế giới hiện đại.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Lễ ký các văn kiện chung. (Ảnh: RIA Novosti)

Theo ông Tập Cận Bình, Nga và Trung Quốc với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế kiên quyết duy trì các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế.

Về tuyên bố chung

Trong tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược bước vào kỷ nguyên mới, các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc tuyên bố quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh phát triển ổn định và mạnh mẽ, không nhằm chống lại các nước thứ ba.

Trong tuyên bố gồm 9 điểm, Bắc Kinh đánh giá tích cực sự sẵn sàng của Moskva nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình về xung đột Ukraine càng sớm càng tốt.

Hai bên kêu gọi từ bỏ các bước leo thang và kéo dài xung đột, đồng thời tôn trọng mối quan tâm an ninh chính đáng của tất cả các nước, phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương.

Moskva và Bắc Kinh hoan nghênh việc bình thường hóa quan hệ gần đây giữa Iran và Saudi Arabia; kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuân thủ nghiêm các cam kết là tổ chức khu vực và phòng thủ...

Moskva cũng tái khẳng định quan điểm coi Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc.

Trong tuyên bố ngắn gọn về kinh tế, hai nhà lãnh đạo chỉ thị cho các chính phủ Nga và Trung Quốc chuẩn bị và phê duyệt kế hoạch phát triển các lĩnh vực quan trọng trong hợp tác kinh tế Nga-Trung Quốc đến năm 2030, trong đó có hợp tác thương mại, tài chính, năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp...

https://nhandan.vn/nhung-diem-chinh-trong-ket-qua-dam-phan-giua-nga-va-trung-quoc-post744032.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...