Liên hợp quốc cam kết duy trì thỏa thuận ngũ cốc

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) khẳng định lại cam kết “làm mọi điều” để Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen tiếp tục được thực hiện, trong bối cảnh thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine hết hiệu lực vào ngày 18/3 tới. Tuyên bố nêu trên được đưa ra sau cuộc đàm phán giữa các quan chức Liên hợp quốc và Nga ngày 13/3, tại Geneva (Thụy Sĩ). Tại đây, Nga đã nhất trí gia hạn thỏa thuận trong thời gian 60 ngày.

Tàu chở lúa mì Ukraine cập cảng ở Yemen. (Ảnh: WFP)

Thông cáo báo chí đưa ra sau cuộc đàm phán nêu rõ, việc tiếp tục thực hiện Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen là rất quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc sẽ nỗ lực để duy trì tính toàn vẹn và liên tục của thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, đồng thời tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga. Liên hợp quốc hoan nghênh thông báo của Nga kéo dài thực thi thỏa thuận.

Phía Nga cho biết, do tính chất “trọn gói” mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề xuất, Nga không phản đối gia hạn thỏa thuận, song chỉ đồng ý kéo dài thực hiện thêm 60 ngày, từ ngày 18/3 tới. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin (X.Ve-rơ-si-nin) nhấn mạnh, Moskva sẽ công bố quan điểm tiếp theo tùy thuộc tiến độ thực tế của các sản phẩm lương thực và phân bón của Nga được cung cấp ra thị trường thế giới.

Trong khi đó, Mỹ tuyên bố không cản trở việc xuất khẩu lương thực và phân bón từ Nga. Tuyên bố nhằm đáp lại ý kiến của phía Nga cho rằng, nhiều rào cản vẫn tồn tại đối với các nhà xuất khẩu nông sản của Nga. Hãng tin Nga TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, số liệu cho thấy xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga đã trở lại mức trước xung đột, đồng nghĩa các hoạt động xuất khẩu của Nga không bị kìm hãm.

Thỏa thuận về xuất khẩu lương thực còn gọi là Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng rẽ với Liên hợp quốc hồi tháng 7/2022 tại Thổ Nhĩ Kỳ và đã được gia hạn 120 ngày vào tháng 11/2022. Sáng kiến cũng bao gồm bản ghi nhớ giữa Nga và Liên hợp quốc về tạo thuận lợi cho xuất khẩu phân bón của Nga. Theo Liên hợp quốc, thỏa thuận đã cho phép hơn 1.600 chuyến tàu an toàn qua Biển Đen, giúp đưa hơn 24,1 triệu tấn ngũ cốc trở lại thị trường thế giới, chủ yếu tới các nước đang phát triển.

https://nhandan.vn/lien-hop-quoc-cam-ket-duy-tri-thoa-thuan-ngu-coc-post742959.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong ký ức các lực lượng yêu chuộng hòa bình toàn thế giới

Được tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần, lãnh đạo các Đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản trên thế giới, các Đảng đối tác, các tổ chức quốc tế đã gửi các điện/thư chia buồn đến Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng...

Bảo vệ giới trẻ trước tác hại của thuốc lá

Thế giới có khoảng 37 triệu trẻ em, từ 13 đến 15 tuổi, hút thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các chính phủ nhanh chóng hành động để bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.

2024 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử

Với việc nhiệt độ trung bình thế giới tháng 6 vừa qua đã phá kỷ lục cao nhất mọi thời đại, các nhà khí tượng học cho rằng, năm 2024 sẽ có thể trở thành năm nóng nhất lịch sử thế giới.

Thu hẹp khoảng cách tiếp cận vaccine

Tăng cường khả năng châu Phi tự sản xuất vaccine là chủ đề được tập trung thảo luận tại Diễn đàn toàn cầu về chủ quyền vaccine và đổi mới, vừa diễn ra ở Paris (Pháp). Để bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine, ngoài việc các nước giàu chia sẻ vaccine, các hãng dược thực hiện đầy đủ cam kết phân...

Cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ người tị nạn

Gần 120 triệu người trên thế giới phải rời bỏ mái ấm để trốn chạy khỏi các cuộc xung đột, bạo lực... Con số nhức nhối này là hồi chuông cảnh báo và cũng thúc giục cộng đồng quốc tế dang rộng vòng tay đón nhận và hỗ trợ người tị nạn, để tránh những thảm kịch tồi tệ.

Xu hướng tích cực trên thị trường năng lượng

Báo cáo Đầu tư Năng lượng thế giới hằng năm của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, đầu tư toàn cầu vào công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch dự kiến đạt 2.000 tỷ USD trong năm nay, gấp đôi mức dành cho nhiên liệu hóa thạch. Sự gia tăng chi tiêu cho năng lượng sạch là nhờ kinh tế phát triển...