Ôn định kinh tế vĩ mô: Niềm tin vào cơ hội mới

TS. Patrick Dixon, một trong 20 nhà tư tưởng quản trị và nhà tương lai học hàng đầu thế giới, Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu và tư vấn xu hướng toàn cầu Global Change đánh giá, niềm tin vào Việt Nam đang trở lại từ chuyển biến về kinh tế vĩ mô gần đây.

TS. Patrick Dixon đưa ra nhận định trên tại Hội thảo quốc tế “Dự báo và chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam – Tư duy chiến lược nhà quản trị 2013 -2015” được sự bảo trợ của Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Văn phòng Chính phủ, do Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội, Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam và Viện Quản trị Kinh doanh (Đại học FPT) tổ chức ngày 30/11.

Mở đầu Hội thảo, TS. Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có bài tham luận về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2012 và định hướng trong giai đoạn 2013 -2015.

Theo đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn đạt kết quả kinh tế đáng ghi nhận trong năm 2012 là lạm phát kìm giữ ở mức 7,5%; tỷ giá ổn định đã lấy lại vị thế cho đồng tiền Việt Nam, người dân giảm trữ đồng USD; bội chi ngân sách 4,8%; dự trữ ngoại tệ khoảng 25 tỷ USD; lãi suất tuy còn cao nhưng đã giảm 5% so với trước đó; tăng trưởng xuất khẩu tăng 16,6%, góp phần giảm nhập siêu, chỉ còn chiếm 0,9% tổng kim ngạch xuất khẩu…

Phó Chủ nhiệm Phạm Viết Muôn cho biết, Chính phủ đã quyết liệt trong điều hành kinh tế. Ví dụ như lạm phát, từ tháng 9 nếu không có biện pháp mạnh sẽ bùng lên và không thể có kết quả trên. Mục tiêu kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đặt ra cho năm 2013 là 6,5 -7% và đến năm 2015 đưa xuống mức 5,5-6%.

Nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2012, TS. Patrick Dixon cũng ghi nhận kết quả tích cực về dự trữ ngoại tệ tăng, lãi suất giảm, tạo việc làm mới, tỷ giá hối đoái ổn định, đặc biệt kết quả thâm hụt thương mại và thâm hụt cán cân thanh toán được cải thiện rất ngoạn mục…

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, so sánh tình hình năm 2007 và năm 2012 để làm rõ thành công của Việt Nam trong kiềm chế lạm phát. Trong 6 tháng đầu năm 2007, Việt Nam giải ngân 8 tỷ USD vốn FDI và bơm ra lượng tiền đồng tương đương nên đã gây ra lạm phát nửa cuối năm 2007 và năm 2008. Nhưng trong 6 tháng đầu năm 2012, nền kinh tế cũng hấp thụ số ngoại tệ tương ứng nhưng lạm phát không tăng mà có tháng còn giảm.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho rằng, lãi suất hiện vẫn ở mức cao, gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và giảm lãi suất là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Chính phủ sẽ sớm bàn giải pháp đưa lãi suất huy động xuống 7,5 -8%/năm và lãi suất cho vay từ 10 - 11%/năm. Ngoài ra, việc giải quyết nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng sẽ góp phần giảm lãi suất cho vay.

Năm 2012, tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 6% và dự kiến đạt tăng trưởng GDP 5,2%, trong khi những năm trước tăng trưởng tín dụng là 20% để đạt mức tăng GDP 7,5%. Năm 2013, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng gấp 2,5 lần tăng trưởng GDP. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho biết, ưu tiên điều hành kinh tế vĩ mô tạo điều thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Về xuất nhập khẩu, năm 2013, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu là 18% và nhập khẩu từ 6,8 -7% để đảm bảo cán cân thanh toán và dự trữ ngoại tệ. TS. Patrick Dixon đánh giá cao về tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong 3 năm khủng hoảng vừa qua. TS. Patrick Dixon lấy số liệu xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ để đánh giá thành công của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu, trong khi Việt Nam vẫn đạt mức tăng xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực như thủy sản, dệt may, da giày thì các đối thủ của Việt Nam là Bangladesh, Italia, Thái Lan, kể cả Trung Quốc đều sụt giảm.

TS. Patrick Dixon nói: “Tôi ngạc nhiên là Việt Nam xếp trên Trung Quốc về tăng trưởng xuất khẩu”. TS. Patrick Dixon cũng cho rằng, Việt Nam đã xác định rất tốt vai trò của mình trong nền kinh tế toàn cầu.

Trước những đánh giá tiêu cực về nợ công của Việt Nam gia tăng thời gian vừa qua, TS. Patrick Dixon cho rằng, mức 57% GDP là không đáng ngại, trong khi Chính phủ đã có những biện pháp mạnh để giảm nợ công.

Dự báo về FDI vào Việt Nam, hiện đang có xu hướng chững lại, TS. Patrick Dixon nhận định, thành công trong kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mới. Trong thời gian tới, Việt Nam có thể thu hút nhiều hơn vốn FDI và trở thành công xưởng mới của thế giới nhờ xu hướng chuyển dịch nhiều ngành từ Ấn Độ và Trung Quốc. Một số dự án công nghệ cao với số vốn hàng tỷ USD gần đây như của Samsung và Intel là những ví dụ cụ thể về niềm tin vào tương lai Việt Nam.

Vì vậy, TS. Patrick Dixon cho rằng, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam không nên mất niềm tin khi nhìn vào các số liệu kinh tế hiện nay. TS. Patrick Dixon nói: “Tôi tin tưởng Việt Nam có giải pháp cho tình hình hiện nay. Các bạn không nên quá chú trọng vào những khó khăn và thách thức mà không thấy rõ những điểm tích cực, lợi thế của mình để có niềm tin vào tương lai".

 

Quốc Đạt (chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.