Phát triển đô thị và tầm nhìn tương lai

Bằng những định hướng đúng, phù hợp với thực tiễn của Đảng bộ tỉnh, diện mạo đô thị Lào Cai đã có nhiều đổi thay, đang vươn mình trỗi dậy với nhịp sống sôi động và phồn thịnh.

Quy hoạch đô thị tỉnh lỵ

Mang trong mình lịch sử 115 năm thành lập với những phố cổ nơi biên cương Tổ quốc, nhưng trước đây đô thị Lào Cai vẫn nghèo nàn, dân cư, nhà cửa thưa thớt. Sau 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh đến nay, đô thị Lào Cai đã mang diện mạo mới. Đến nay, toàn tỉnh có 10 đô thị, trong đó 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại IV và 8 đô thị loại V. Quy mô dân số đô thị toàn tỉnh đến năm 2020 có 234.898 người, tương đương 26% dân số; tập trung nhiều nhất tại thành phố Lào Cai với 135.138 người, Sa Pa với 38.122 người, còn lại là trung tâm các huyện. Mật độ dân số đô thị bình quân 465 người/km2. Hoạt động kinh tế tại các khu vực thuộc đô thị đóng góp trên 70% GRDP cho tỉnh.

Một trong những quyết sách mang tính lịch sử của Đảng bộ tỉnh đó là lựa chọn vị trí quy hoạch đô thị tỉnh lỵ. Vùng đất thành phố Lào Cai ngày nay được hình thành trên nền đất cổ Lão Nhai. Thời Pháp thuộc, người Pháp xác định nơi đây là một trung tâm buôn bán, giao thương quốc tế và đã quyết định thành lập đô thị Lào Cai. Ngày 12/7/1907, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh dân sự Lào Cai, địa bàn thành phố Lào Cai ngày nay là thị xã tỉnh lỵ. Từ 1907 đến nay, vùng đất này liên tục là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Lào Cai và tỉnh Hoàng Liên Sơn, trừ 13 năm (1978 - 1991), tỉnh lỵ Hoàng Liên Sơn chuyển về thị xã Yên Bái.

Rực rỡ thành phố biên cương.                  Ảnh Ngọc Bằng

Chặng đường đột phá tạo nên dáng vóc đô thị thành phố Lào Cai hôm nay là từ ngày tái lập tỉnh. Ngay những năm đầu tái lập, tỉnh đã dồn sức khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất cho giai đoạn sau phát triển. Xác định với xuất phát điểm thấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X năm 1992 đã đề ra tư tưởng chỉ đạo: Huy động mọi nguồn lực của địa phương kết hợp với hỗ trợ của Trung ương, dồn sức tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho Nhân dân. Thực hiện chủ trương của Đảng bộ, trong những năm 1991 - 2000, bằng sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, hàng loạt công trình trọng điểm đã được đầu tư xây dựng nhằm bứt phá về hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng đô thị.

Để phục vụ cho giai đoạn bứt phá, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hàng loạt quyết sách đúng, sáng tạo và khoa học như sáp nhập 2 thị xã Lào Cai và Cam Đường thành thành phố Lào Cai; xây dựng trục đường 58 m giữa lòng thành phố, mở rộng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, xây dựng Khu Thương mại Kim Thành, xây dựng Khu Đô thị mới Lào Cai - Cam Đường, nâng cấp đô thị du lịch Sa Pa, Bắc Hà; dành phần lớn ngân sách đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng đô thị.

Với những quyết sách đúng cùng sự chung tay, góp sức của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, từ hoang tàn, đổ nát, thị xã Lào Cai nhanh chóng được xây dựng khang trang. Đặc biệt, với sự hình thành của Khu Thương mại Kim Thành (nằm trong thị xã Lào Cai) có tổng diện tích quy hoạch 250 ha đã trở thành vùng đệm trung gian giữa khu thương mại Hà Khẩu (Trung Quốc) với Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) và trở thành khu thương mại lớn mang tầm quốc tế. Năm 2008, cầu Kim Thành được thông xe nối liền Khu Thương mại Kim Thành (Việt Nam) với Khu Kinh tế Bắc Sơn (Trung Quốc). Liền kề với Khu Thương mại Kim Thành, khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai ngày càng được mở rộng và trở nên tấp nập, là khu vực quan trọng để thu hút và thúc đẩy hoạt động xuất - nhập khẩu, dịch vụ. 2 khu thương mại trên đã giúp đô thị thành phố Lào Cai trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn nhất của cả nước.

Tầm nhìn tương lai

Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 35% và đạt trên 45% vào năm 2030. Phát triển hệ thống đô thị tỉnh Lào Cai theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững; có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; thích ứng với biến đổi khí hậu; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị của cả nước.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, quan điểm định hướng phát triển đô thị Lào Cai giai đoạn tới là tiến trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn ngoài năm 2050, góp phần quan trọng phục vụ mục tiêu xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Lào Cai.

Phát triển đô thị Lào Cai được định hướng với tầm nhìn tương lai.

Việc hình thành và phát triển hệ thống đô thị giai đoạn 2021 - 2030 phải bảo đảm phát triển bền vững, lấy con người làm trọng tâm. Phân bố đô thị hợp lý và đô thị hóa phù hợp trình độ phát triển ở từng khu vực, tương xứng với công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Lào Cai; góp phần đến năm 2030, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, có nền kinh tế năng động, phát triển nhanh và bền vững. Phát triển và phân bố hợp lý hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh, tạo sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các vùng. Tập trung nâng cao chất lượng các đô thị hiện cóđể từng bước nâng loại đô thị theo chương trình phát triển đô thị đã duyệt; đầu tư đảm bảo tiêu chuẩn để công nhận mới cho các đô thị vệ tinh, bảo đảm tính liên kết tổng thể trên phạm vi vùng, tỉnh, từng huyện, đô thị và nông thôn.

Cùng với đó, phát triển đô thị phải phù hợp với kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030; có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với quy luật phát triển đô thị và thực tế của tỉnh; sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, bảo đảm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh cũng sẽ chú trọng và từng bước nâng cao chất lượng phát triển đô thị cả về kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng, nhà ở, chất lượng sống của người dân. Xây dựng từng đô thị trở thành trung tâm, đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, đổi mới sáng tạo của từng địa phương và cả tỉnh…

https://baolaocai.vn/bai-viet/353700-phat-trien-do-thi-va-tam-nhin-tuong-lai

Theo Mạnh Dũng/LCĐT

Tin Liên Quan

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Âm vang và giá trị trường tồn

Trải qua 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, cơm dầm mưa vắt, máu trộn bùn non” (từ ngày 13/3 đến 7/5/1954), quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm của Pháp vốn được coi là “pháo đài bất khả xâm...

Tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh

Đó là chỉ đạo của đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị giao ban 3 lực lượng quân sự - công an - biên phòng diễn ra vào chiều 6/5.

Học sinh Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai đoạt giải Vàng tại Cuộc thi triển lãm phát minh quốc tế

Hai dự án của Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai đoạt giải Vàng tại cuộc thi là: “Bàn tay robot hỗ trợ người khuyết tật chi trên” và “Thiết bị thông minh hỗ trợ người mù”.

Bộ CHQS tỉnh: Nhiều hoạt động chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Lào Cai được xác định là 1 trong 6 cực tăng trưởng của vùng trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc

Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 369/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch này, Lào Cai được xác định là 1 trong 6 cực tăng trưởng của vùng trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Lào Cai hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai năm 2024

Các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai năm 2024 sẽ được diễn ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ ngày 15/5 đến 22/5/2024.