Công việc “hái” ra tiền mỗi dịp Tết đến

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, những lao động thời vụ khéo tay, hay làm lại kiếm “bội” tiền nhờ những dịch vụ hot như cắm lan, gói bánh chưng…

Say mê với “nữ hoàng” của các loài hoa

Những ngày cận Tết Nguyên đán, tại các gian hàng hoa ở chợ hoa Xuân hay tại các cửa hàng hoa trên các tuyến đường của thành phố Lào Cai, những “nghệ nhân” lại khéo léo trổ tài cắm lan, lên bình, lên chậu phục vụ nhu cầu của các “thượng đế”. Trung bình 1 người thợ cắm lan dịp Tết sẽ căng mình 10 tiếng một ngày để làm việc. Những ngày đông khách có thể lên tới 12 tiếng. Tuy nhiên, theo các chủ hàng hoa, thợ cắm lan làm ngày, làm đêm nhiều khi vẫn không kịp với nhu cầu của khách hàng, nên có một số ngày, thời điểm còn “cháy” thợ cắm, các đơn phải dồn sang những ngày hôm sau.

Tỉ mỉ lên dáng lan dịp Tết.

Nếu muốn “mục sở thị” công việc cắm lan, những ngày này, bạn có thể đến với chợ hoa Xuân thành phố Lào Cai. Dọc đường An Dương Vương từ Cốc Lếu đến Kim Tân là hàng chục thợ cắm lan hồ điệp đang tất bật làm việc cả ngày lẫn đêm để kịp cung ứng ra thị trường.

Tranh thủ những ngày cận Tết để kiếm thêm thu nhập, anh Nguyễn Văn Tuấn, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) cho hay, thường ngày tôi làm kinh doanh, buôn bán nhỏ, nhưng vào tháng Chạp, khi nhu cầu của thị trường tăng, tôi làm thêm việc cắm hoa lan. Những ngày giáp Tết, khách lẻ và các mối hàng lớn khá nhiều nên tôi gần như luôn tay luôn chân từ 7h30 sáng đến 23h đêm.

Công việc "hot" là vậy, nhưng không phải ai cũng có thể làm được, bởi tạo hình đẹp rất cầu kỳ đòi hỏi người thợ không chỉ khéo léo, tỉ mỉ mà còn có mắt thẩm mỹ trong việc phối màu, tạo hình. Thông thường, hoa lan sẽ được cắm sẵn đặt tại cửa hàng để trưng bày, khách ưng dáng nào sẽ chọn mua luôn hoặc cắm theo yêu cầu của khách. Năm nay, khách hàng chuộng các màu sắc như vàng, trắng, tím với các dòng hoa lan Đà Lạt, Trung Quốc…

Anh Nguyễn Xuân Hùng bên chậu lan "khủng" hút mắt người nhìn.

Ngoài cắm lan tại chỗ phục vụ nhu cầu khách hàng trong tỉnh, các thợ cắm lan có tay nghề cao còn đi các tỉnh khác để phục vụ. Thông thường, khách sẽ lựa chủng loại, mẫu mã lan qua trang web của shop hoa, chọn thế dáng và thuê thợ Lào Cai theo xe về tận nhà cắm. Anh Nguyễn Xuân Hùng, thợ cắm hoa ở phường Kim Tân cho biết: Từ đầu vụ cắm hoa lan Tết đến giờ, tôi đã đi 3 chuyến cắm lan ở ngoại tỉnh là Hà Nội, Thái Nguyên. Việc cắm hoa lan tại nhà dù chi phí cao hơn, nhưng sẽ giúp gia chủ được như ý trong việc tạo thế, dáng chậu, lựa chọn hoa, đặc biệt, cắm tại chỗ nên chậu lan sẽ không bị xộc xệch, mất dáng trong quá trình vận chuyển.

Khách hàng rất chuộng chơi lan trong dịp Tết.

Lan khi lên chậu theo nhu cầu của khách sẽ được ghép theo số lượng khác nhau, chậu 1 cành cũng có, đôi, ba chục cành cũng có, thậm chí trên cả trăm cành. Với những chậu lan lớn, người thợ phải vô cùng khéo léo và có độ tạo hình cao mới có thể cho lên dáng như ý với các thế tròn, một mặt, rủ, tháp. Tiêu chí để có một chậu lan hồ điệp đẹp là hoa phải theo hàng, sắc nét và phân tầng. Đặc biệt, năm nay, theo thị hiếu khách hàng muốn chơi hàng “độc”, các tay thợ còn tạo thế lan trên những thân cây lũa tạo thế dáng thuyền, long, phượng…

Mỗi ngày, bình quân mỗi người thợ cắm được 100 cành lan. Với giá 30.000 đồng/cành, sau khi trừ chi phí về phụ kiện, cây, móc, tiền thuê mặt bằng… thì đây là thu nhập lớn “hái” ra tiền đối với người lao động so với các dịp khác trong năm.

Dịch vụ gói bánh chưng "hút" khách

Những ngày này, các cơ sở làm bánh chưng trên địa bàn thành phố Lào Cai tấp nập, nhộn nhịp hơn. Đây là thời điểm kinh doanh đắt khách nhất trong năm, vì vậy các cơ sở làm bánh chưng đều phải huy động thêm nhân lực để kịp đơn hàng cho khách.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại, bận rộn khiến nhiều gia đình không có điều kiện gói bánh chưng dịp Tết. Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, dịch vụ gói bánh chưng ngày Tết nở rộ. Hiện, trên địa bàn thành phố Lào Cai có hơn hai chục cơ sở và hộ gia đình chuyên gói bánh chưng Tết. Vào dịp Tết, các cơ sở gói bánh chưng phải huy động tối đa nhân lực để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thực khách.

Các cơ sở gói bánh chưng huy động nhân lực phục vụ khách hàng.

Là địa chỉ đặt hàng bánh chưng quen thuộc của nhiều gia đình mỗi khi Tết đến, xuân về, cơ sở gói bánh chưng của bà Nguyễn Thị Phượng, phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) đang tất bật chuẩn bị sẵn các nguyên liệu để gói bánh. Bà Phượng cho biết, dịch vụ gói bánh chưng của cơ sở bắt đầu nhộn nhịp từ 20 đến hết ngày 29 tháng Chạp.

Vì nhận nhiều đơn đặt hàng của khách nên công việc ở cơ sở bà Phượng bận rộn hơn ngày thường. Ngoài các thành viên trong gia đình, bà còn phải thuê thêm 5 nhân công phụ giúp làm cả ngày cho kịp số lượng đơn hàng. Mỗi ngày, cơ sở của bà gói khoảng 300 bánh chưng mới kịp để cung ứng ra thị trường.

Cũng theo bà Phượng, nhờ có kinh nghiệm làm bánh trên 30 năm, nên cơ sở của bà được khách hàng tin tưởng, đặt bánh số lượng nhiều. Đến thời điểm hiện tại, bà đã nhận cung ứng khoảng 1.000 chiếc bánh cho dịp Tết này, với giá trung bình từ 60.000 – 70.000 đồng/cái. Trừ các khoản chi phí như nguyên liệu, nhân công, mỗi chiếc bánh, bà Phượng lãi khoảng 10.000 đồng.

Khéo léo lựa chọn nguyên liệu sạch để làm bánh.

Chị Trương Thị Hương, chủ một điểm bán và nhận làm bánh chưng tại phường Cốc Lếu cho biết: Nghề làm bánh chưng khá vất vả và cực nhọc. Tôi phải thức rất khuya để gói bánh, tiếp đó là nấu bánh đến hết đêm. Mùa Tết năm nay, tôi đã nhận làm gần 700 chiếc bánh chưng khách đặt hàng, tăng gấp 5 lần so với dịp ngày rằm, mùng một trong năm. Những ngày áp Tết, với 4 nhân công hối hả làm việc, người rửa lá, tách lá, người thì vớt bánh, người gói bánh, luộc bánh… đã giúp cơ sở cung ứng ra thị trường khoảng 150 chiếc bánh/ngày.

Bà Nguyễn Thị Phượng, phường Cốc Lếu kiểm tra bánh sau khi gói. 

Các cơ sở gói bánh chưng Tết tại thành phố Lào Cai đang hoạt động hết công suất không chỉ tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động thời vụ, mà còn góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống trên mỗi mâm cỗ cúng tổ tiên trong dịp Tết. Khảo sát một số cơ sở tại thành phố Lào Cai chúng tôi nhận thấy, mỗi chiếc bánh chưng có giá bán từ 40.000 – 60.000 đồng, khối lượng khoảng từ 0,8kg đến 1,4kg. Người làm bánh lãi từ 8.000 – 10.000 đồng/chiếc, cho thu nhập tiền triệu mỗi ngày.

https://baolaocai.vn/bai-viet/352340-cong-viec-hai-ra-tien-moi-dip-tet-den

 

Theo Tô Dung - Kim Thoa/LCĐT

Tin Liên Quan

Đầu tư hạ tầng giao thông thúc đẩy liên kết vùng

Phát biểu tại Diễn đàn “Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ” tổ chức chiều 27/9, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh tỉnh Lào Cai xác định để trở thành trung tâm kết nối thì phát...

Lào Cai tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thân thiện và an toàn

Từ một tỉnh nghèo nhất cả nước khi tái lập (năm 1991), qua hơn 30 năm không ngừng nỗ lực phấn đấu, đến nay Lào Cai trở thành tỉnh đứng nhóm đầu trong 14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc.

Đưa vào sử dụng Nhà liên ngành tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 1 Lào Cai sau mở rộng

Sáng 26/8, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã đưa vào sử dụng khu Nhà liên ngành tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 1 Lào Cai, sau một thời gian đầu tư cải tạo, mở rộng.

Đưa nền tảng cửa khẩu số vào vận hành

Từ hôm nay (21/8), các doanh nghiệp hoạt động xuất - nhập khẩu bắt đầu khai báo trên nền tảng Cửa khẩu số khi giải quyết thủ tục xuất - nhập cảnh, xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc từng bước đưa nền tảng Cửa khẩu số vào vận hành.

Tỉnh Lào Cai làm việc với Tổng cục Hải quan về công tác xuất - nhập khẩu

Chiều 16/8, Đoàn công tác của tỉnh Lào Cai đã làm việc với Tổng cục Hải quan, tham vấn ý kiến về các nội dung liên quan đến xuất - nhập khẩu, giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai và triển khai cửa khẩu số.

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đến quy hoạch, hỗ trợ nông dân phát triển các cây trồng chủ lực, cây trồng tiềm năng và hình thành các mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.