Nghề làm ngói của người Pa Dí ở Mường Khương

Từ xa xưa, người Pa Dí trên vùng đất Cao Sơn (Mường Khương) đã rất nổi tiếng với nghề làm ngói đất nung. Làm ngói đất nung không chỉ đáp ứng nhu cầu làm nhà của các gia đình người dân Pa Dí mà còn trở thành một sản phẩm hàng hóa được nhiều dân tộc trong vùng ưa chuộng.
 
Theo những người già trong làng kể lại, trước đây nghề làm ngói của người Pa Dí phát triển rất mạnh ở một số làng bản như: Lũng Pâu, Dì Thàng, Cốc Mù của xã Tung Chung Phố; thôn Sa Pả 9, 10, 11 của thị trấn Mường Khương. Vào lúc nông nhàn, sau khi các gia đình đã thu hoạch xong, đây cũng là khoảng thời gian mùa khô, các hộ gia đình làm nghề lại tất bật với công việc sửa sang dụng cụ, sửa lại lò để chuẩn bị cho một mùa nghề mới.



Công đoạn làm đất, tạo khuôn.

Sản phẩm ngói âm dương của người Pa Dí được làm theo phương thức thủ công là chính nhưng đã đạt đến trình độ kỹ thuật cao từ cách chọn đất, nhào nặn và trộn các loại đất, kỹ thuật nung đốt. Bởi vậy mà các sản phẩm ngói của người Pa Dí làm ra có độ bền cao, màu đỏ thẫm, đặc biệt là có độ phẳng và khít rất cao. Kỹ thuật có được phần lớn dựa trên những kinh nghiệm mà những người thợ đúc kết được và truyền lại cho các thế hệ sau.

Để tạo chất lượng cho sản phẩm có độ bền, dẻo, không bị vênh thì ngay từ khâu chọn đất phải được người thợ chú trọng, lựa chọn rất kỹ, bởi nguyên liệu luôn có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của sản phẩm nên họ phải chọn những loại đất có độ dẻo cao. Người Pa Dí thường sử dụng loại đất đồi màu đỏ hoặc nâu sẫm, không lẫn sỏi, đá, sau đó mang về băm nhỏ, ngâm nước qua đêm cho ngấu rồi dùng trâu quần nhuyễn. Đất được đắp thành đống tròn, ủ cho thật dẻo trước khi tạo hình ngói.

Để tạo hình dáng cho viên ngói, người Pa Dí sử dụng loại khuôn gỗ “goa thung” hình trụ cao gấp đôi viên ngói và đường kính khoảng 40 cm. Khuôn gỗ được đặt lên một chiếc bàn xoay do người thợ tự chế tạo. Khác với làm gạch, làm ngói rất coi trọng khâu nhào nguyên liệu, đất phải được nhào nhiều cho thật nhuyễn, sau đó đắp ủ thành từng đống nhỏ, khi nào đóng, họ xẻ từng ít ra nhào lại rồi đắp thành một khối hình chữ nhật, có chiều rộng vừa với chiều cao của khuôn gỗ, chiều dài thì tùy ý.

Khi làm ngói, người thợ dùng một loại kéo do mình tự chế tác, cắt đất thành những lớp mỏng có độ dày bằng nhau, sau đó mang cuốn vòng quanh khuôn rồi đặt lên bàn xoay cho đất thật mịn. Sau khi ra khuôn, sản phẩm ngói mộc sẽ có kiểu dáng là một hình trụ tròn, họ đem phơi khô rồi dùng tay tách ra thành từng viên. Mỗi lần ra khuôn sẽ tạo được tám viên ngói mộc, sau đó xếp thành từng hàng để chuẩn bị cho vào lò nung.



Ra khuôn và phơi ngói mộc.

Lò nung là một khâu rất quan trọng trong quy trình sản xuất ngói của người Pa Dí, họ thường chọn những khu vực có địa hình cao ráo, thuận tiện cho việc vận chuyển ngói vào lò. Sau đó, họ dùng búa chim, cuốc khoét sâu vào trong qủa đồi tạo thành một chiếc lò nung hình vòm, có chiều rộng từ 3 - 5 m, chiều cao từ 5 - 6 m. Phía trước là cửa ra vào, phía trên đỉnh khoét một lỗ tròn để thông hơi trong quá trình nung. Bên trong lò, làm thành các rãnh bằng đất để đưa củi vào, khi nung hơi lửa bén theo các rãnh lên. Cửa lò thường được làm theo hướng gió để thuận lợi trong quá trình đốt. Với cách làm âm nằm trong quả đồi nên khi nung lò sẽ luôn đạt được mức nhiệt độ cao cố định, đây là cách nung các loại đất gốm mà các dân tộc vùng cao hay làm.

Trước đây, người Pa Dí thường sử dụng củi than gỗ để nung ngói, họ chọn những loại gỗ tốt, chẻ hoặc cắt ra thành từng khúc ngắn để làm củi đốt. Trong thời gian nung ngói, người thợ luôn phải túc trực bên lò để điều chỉnh ngọn lửa và nhiệt độ sao cho vừa đủ với từng giai đoạn để đảm bảo sản phẩm ra lò đạt chất lượng tốt nhất. Nếu để lửa cháy to, nhiệt độ trong lò cao sẽ làm cho ngói bị phồng, vênh.
 


Đưa ngói vào lò nung.

Những người đốt lò thường là những người thợ đã dạn dày kinh nghiệm, nắm được đặc tính của đất và nhìn vào ngọn lửa là đoán được nhiệt độ trong lò để có sự điều chỉnh phù hợp. Quá trình nung đốt diễn ra suốt 3 ngày, 3 đêm liên tục, sau đó dùng gạch hoặc đất trát kín cửa lò lại, để một thời gian cho lò nguội rồi ra lò.

Người Pa Dí thường sử dụng loại nguyên liệu ngói âm dương do mình tự làm để lợp mái nhà, loại ngói này rất bền và mát. Những kinh nghiệm đúc kết trong quá trình làm nghề ngói truyền thống được người dân Pa Dí giữ gìn và truyền lại cho các thế hệ sau./.
(Theo laocai.gov.vn)

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...