Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy hợp tác ASEAN-LHQ trong gìn giữ hòa bình

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 14/9 đã họp trực tuyến về cải cách hoạt động gìn giữ hòa bình với sự tham dự và báo cáo của Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các hoạt động hòa bình, Jean-Pierre Lacroix. Tại đây, Việt Nam cam kết sẵn sàng thúc đẩy hơn nữa hợp tác ASEAN-LHQ trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình.

Lực lượng quân y Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam tham gia

lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan - Ảnh: TTXVN

Phó Tổng Thư ký LHQ Lacroix cho biết mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là đại dịch COVID-19, hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ vẫn được bảo đảm triển khai trên thực tế. Các nội dung cải cách được nêu trong Sáng kiến Hành động vì hòa bình (A4P) của Tổng Thư ký LHQ có nhiều bước tiến cụ thể. Phó Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh các phái bộ cần tập trung hướng đến các giải pháp dài hạn; áp dụng công nghệ và các biện pháp cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các phái bộ; chú trọng vấn đề giới một cách thực chất, không chỉ tăng về số lượng; và kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ của tất cả các thành phần liên quan cũng như các đối tác trong triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình.

Các nước thành viên HĐBA đánh giá cao những đóng góp của hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; bày tỏ ủng hộ việc thực hiện Sáng kiến Hành động vì hòa bình của Tổng Thư ký LHQ. Nhiều ý kiến lên án tình trạng tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình; nêu tầm quan trọng của việc bảo đảm cho các phái bộ thực thi đúng nhiệm vụ, tăng cường tính minh bạch và chịu trách nhiệm; ưu tiện thực hiện chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình, an ninh trong các phái bộ. Các nước cũng kêu gọi LHQ bảo đảm đủ nguồn lực cho hoạt động gìn giữ hòa bình. 

Phát biểu tại cuộc họp, theo TTXVN, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đánh giá hoạt động gìn giữ hòa bình là công cụ quan trọng của LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Đại sứ hoan nghênh những đóng góp của lực lượng gìn giữ hòa bình và những nỗ lực cải tổ hoạt động
gìn giữ hòa bình trong quá trình phát triển, trong đó có Sáng kiến Hành động vì hòa bình.

Trước tình trạng cản trở và tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình vẫn tiếp diễn, bên cạnh lên án tình trạng này và đề nghị các bên liên quan tôn trọng các nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình, Đại sứ đề nghị các nước phải tính đến vai trò trước hết và quan trọng hàng đầu của quốc gia liên quan trong hoạt động gìn giữ hòa bình, bảo đảm tham vấn và nhận được sự đồng ý của các bên liên quan khi thúc đẩy tiến trình chính trị.

Đại sứ cũng nêu thực trạng hơn một nửa số phái bộ đang hoạt động đã tồn tại hơn 20 năm, có phái bộ tồn tại hơn 70 năm nhưng tiến trình hòa bình vẫn bế tắc và đề nghị cần có đánh giá tổng quan về nhiệm vụ của các phái bộ, chú trọng vào các nhiệm vụ xây dựng năng lực và chuyển tiếp sang tự quản cho các quốc gia chủ nhà. Đại sứ cũng đề nghị cộng đồng quốc tế bảo đảm nguồn lực cho các hoạt động gìn giữ hòa bình. 

Hiện nay, LHQ có 13 phái bộ gìn giữ hòa bình, 15 phái bộ chính trị đặc biệt  và 11 đặc phái viên đang hoạt động. Tổng lực lượng đang hoạt động tại các phái bộ gìn giữ hòa bình và chính trị là 115.000 người. Riêng tại 13 phái bộ gìn giữ hòa bình, có tổng cộng 81.370 người, trong đó có 69.230 quân nhân và 8.942 cảnh sát. Tỷ lệ nữ quân nhân là 4,7%, nữ cảnh sát là 10,8%. Việt Nam hiện đã cử 73 quân nhân, trong đó có 12 nữ, chiếm tỷ lệ 16%, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại hai phái bộ Nam Sudan và CH Trung Phi./.

http://baochinhphu.vn/Quocte/Viet-Nam-san-sang-thuc-day-hop-tac-ASEANLHQ-trong-gin-giu-hoa-binh/407668.vgp 

 

(theo baodientu.chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Bảo đảm an ninh toàn diện vì Cộng đồng ASEAN

Chiều 23/4, tại Hà Nội, Diễn đàn Tương lai ASEAN tiếp tục Phiên toàn thể thứ hai với chủ đề "Bảo đảm an ninh toàn diện vì Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm".

Lễ khởi động Năm giao lưu nhân dân ASEAN-Trung Quốc 2024

Lễ khởi động là một trong những hoạt động trọng điểm triển khai quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 26 (Jakarta, tháng 9/2023) nhằm đẩy mạnh giao lưu nhân dân, làm sâu sắc giao lưu văn hóa và thắt chặt tình hữu nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Thủ tướng truyền tải thông điệp quan trọng về 'Bài học từ ASEAN' tại WEF Davos

Chiều 17/1 (giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu với tư cách diễn giả chính tại phiên thảo luận "Bài học từ ASEAN" trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos năm 2024.

Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á

Ngày 30/12/2023, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á.

Lào sẵn sàng đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN lần thứ 3 trong năm 2024

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith, hiện Lào đã sẵn sàng đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2024 với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy sự kết nối và tự cường”.

Khai mạc Diễn đàn chiến lược ASEAN-Hàn Quốc

Ngày 1/11/2023, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn chiến lược ASEAN-Hàn Quốc với chủ đề "Hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Hàn Quốc vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng". Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất.