Những tuyến đường Hạnh phúc

Ðó là những tuyến đường thuộc Chương trình Hạnh phúc do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ. Người dân vùng cao nơi được hưởng thụ đặt tên như thế không chỉ bởi nó trùng với tên của chương trình, mà còn bởi những tuyến đường ấy đã và đang tạo động lực để người dân xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Nhà anh Lừu Seo Lùng ở thôn Say Sán Phìn, nay là thôn Chu Liền Chải, xã Quan Hồ Thẩn (Si Ma Cai) khiến những người lần đầu đặt chân đến thôn không khỏi ngạc nhiên bởi chiếc cổng được thiết kế theo kiểu truyền thống Hàn Quốc. Anh Lùng bảo, khi được Chương trình Hạnh phúc hỗ trợ, bà con trong thôn làm đường liên thôn, liên gia rồi chỉnh trang nhà cửa, anh muốn làm một công trình để tri ân sự hỗ trợ đó nên nghĩ ra ý tưởng này.

Đường vào khu sản xuất chè ở thôn Cốc Cái, xã Lùng Vai (Mường Khương).

Năm 2015, Chu Liền Chải là 1 trong 2 thôn ở xã Mản Thẩn (nay là xã Quan Hồ Thẩn) được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình Saemaul Undong do KOICA tài trợ. Trong các hợp phần của chương trình thì gói hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông nông thôn đã phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Trưởng thôn Lừu Thề Pao cho biết, trước đây đường ở Chu Liền Chải hầu hết là đường mòn, việc đi lại của người dân rất vất vả, nhất là vào mùa mưa. Giao thông không thuận tiện khiến việc thu hoạch, tiêu thụ nông sản khó khăn, kinh tế bấp bênh.

Trưởng thôn Pao nói vui, trước đây có con lợn một tạ muốn bán phải mổ ở thôn mới mang được xuống chợ trung tâm Si Ma Cai. Bởi vậy, khi được các chuyên gia KOICA khảo sát hỏi ý kiến, bà con trong thôn đều nhất trí đề nghị được hỗ trợ đổ bê tông đường liên thôn. Chương trình Hạnh phúc với gói hỗ trợ vật liệu, xi măng làm đường giao thông nông thôn đến đúng vào lúc phong trào xây dựng nông thôn mới ở Quan Hồ Thẩn lên cao, vì vậy được người dân hồ hởi đón nhận. Người dân không chỉ đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, mà còn sẵn sàng hiến ruộng, nương để có những tuyến đường được đổ bê tông rộng rãi.

Hai tuyến đầu tiên do KOICA hỗ trợ là đường nối từ thôn Chu Liền Chải đến thôn Mản Thẩn và đường nội thôn đã góp phần tạo ra những thay đổi to lớn nơi đây. Những tuyến đường này tạo thành vòng khép kín nối liền các xóm dân cư, đi qua các khu sản xuất, biến ước mơ nhiều năm qua của người dân là có đường xe ô tô đến thôn trở thành hiện thực. Gia đình ông Lừu Seo Lao mỗi vụ thu hoạch cả trăm bao ngô, trước đây chưa có đường phải dùng sức người vận chuyển từng bao ngô từ lưng chừng núi xuống mới chuyển đi được, nhanh lắm mỗi ngày cũng chỉ được 20 đến 30 bao, nay thì xe tải nhỏ có thể men theo con đường vắt ngang núi, chỉ cần 1 ngày là thu hoạch xong cả nương ngô. Chỉ trong 2 năm 2015 và 2016, Chu Liền Chải đã hoàn thành đổ bê tông tất cả các tuyến liên thôn, nội thôn và đường ngõ xóm. “Có đường bê tông, người dân đi lại thuận tiện, nông sản làm ra có thương lái đến tận nơi thu mua”, Trưởng thôn Pao cho biết.

Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của những tuyến đường “Hạnh phúc”, chúng tôi tìm gặp anh Giàng Seo Châu, Bí thư Đảng ủy xã Quan Hồ Thẩn. Khi KOICA bắt đầu thực hiện chương trình hỗ trợ ở Mản Thẩn, anh Châu là Phó Chủ tịch UBND xã. Anh Châu cho biết, tham gia vận động người dân thực hiện chương trình rồi được các chuyên gia tập huấn, mình cũng có thêm kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nhờ sự hỗ trợ của Chương trình Hạnh phúc ở 2 thôn khó khăn đã góp phần đưa Mản Thẩn trở thành xã đầu tiên của  Si Ma Cai “về đích” nông thôn mới vào năm 2016, sớm hơn 4 năm so với kế hoạch đề ra.

Cùng với hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, các công trình hạ tầng khác như nhà văn hóa, lò đốt rác, mô hình sinh kế, cách thức tổ chức sản xuất… với sự hỗ trợ từ chương trình vẫn đang tiếp tục phát huy hiệu quả ở các địa phương được thụ hưởng. Đó là nền tảng để người dân xây dựng cuộc sống văn minh, giàu đẹp hay cũng chính là tự mình xây dựng một con đường hạnh phúc.

Tại xã Lùng Vai (Mường Khương), cả 3 thôn tham gia thí điểm mô hình Saemaul Undong gồm Cốc Cái, Bồ Lũng, Na Lang vẫn tiếp tục trở thành thôn điểm của xã trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Theo Bí thư Đảng ủy xã Lùng Vai Đặng Đình Vi vào thôn Cốc Cài, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống của người dân nơi đây vẫn đang đổi thay từng ngày. Từ đường trục xã Bản Xen - Lùng  Vai, tuyến đường bê tông “Hạnh phúc” do KOICA tài trợ dài gần 2 km nối lên khu sản xuất chè của người dân nhộn nhịp những chiếc xe ngược xuôi vận chuyển chè búp tươi về Công ty Chè Thanh Bình. Ở trung tâm thôn là nhà văn hóa được xây dựng khang trang. Những tuyến đường ngõ xóm được đổ bê tông sạch sẽ, phong quang.

Bí thư Chi bộ thôn Cốc Cái Vương Thị Hiền hồ hởi kể, vừa rồi ông Kim Sun Ho, nguyên Giám đốc Chương trình Hạnh phúc tỉnh gọi điện hỏi thăm tình hình của thôn và hứa sẽ trở lại thăm làng Saemaul Undong - Cốc Cài khi điều kiện cho phép. Nhớ lại những ngày triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, sau đó được lựa chọn tham gia mô hình làng Saemaul Undong, chị Hiền bảo mình cũng như người dân trong thôn bỡ ngỡ bởi không biết phải bắt đầu từ đâu. Sau đó người dân được các chuyên gia KOICA hướng dẫn thành lập ban phát triển thôn để tổ chức các hoạt động. Sau gần 3 năm kết thúc chương trình, những hình ảnh của KOICA vẫn hiện hữu trên từng tuyến đường, nhà văn hóa và trong những câu chuyện thường ngày của người dân nơi đây.

Anh có thấy đường sá trong thôn lúc nào cũng xanh, sạch, đẹp không? - Chị Hiền hỏi và giải thích ấy là do người dân trong thôn vẫn thường xuyên duy trì dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm mỗi tuần 1 lần từ ngày tham gia mô hình làng Saemaul Undong. Cốc Cái còn một mô hình hiệu quả mà không phải thôn nào cũng làm được đó là duy trì quỹ thôn hơn 300 triệu đồng cho các hộ vay phát triển sản xuất. Theo đó, hộ có nhu cầu sẽ được cho vay tối đa 20 triệu đồng để đầu tư các mô hình kinh tế trong 2 năm với lãi suất ưu đãi. Từ nguồn quỹ này đã giúp nhiều hộ trong thôn thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhờ đó, hộ nghèo trong thôn giảm đáng kể, hiện cả thôn chỉ còn 1 hộ thuộc diện nghèo, Cốc Cái cũng trở thành thôn có số hộ nghèo, cận nghèo thấp nhất ở Lùng Vai.

Chu Liền Chải và Cốc Cái là 2 trong số 8 thôn được lựa chọn tham gia thí điểm mô hình Saemaul Undong, bao gồm: Cốc Cái, Bồ Lũng, Na Lang (xã Lùng Vai, huyện Mường Khương); Lùng Khấu Nhin 1 (xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương); Cốc Cài Hạ, Nậm Mòn Thượng, Nậm Mòn Hạ (xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà); Say Sán Phìn (nay là Chu Liền Chải), Sảng Mản Thẩn (xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai). Theo dõi một số chương trình do các tổ chức phi chính phủ tài trợ, chúng tôi có đôi chút lo lắng về tính hiệu quả sau khi Chương trình Hạnh phúc kết thúc hỗ trợ cho những ngôi làng hạnh phúc. Tuy nhiên, những lo lắng ấy nhanh chóng tan biến khi lần này trở lại Chu Liền Chải và Cốc Cái. Hiệu quả của Chương trình Hạnh phúc Lào Cai sau 2 năm kết thúc các hợp phần vẫn tiếp tục được khẳng định khi đã góp phần hỗ trợ các địa phương khó khăn của tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là chương trình giảm nghèo bền vững và cải thiện kết cấu hạ tầng.

http://baolaocai.vn/nong-thon-moi/nhung-tuyen-duong-hanh-phuc-z36n20200904101444535.htm

theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai quan tâm bảo tồn và phát triển làng nghề

Từ nay đến năm 2030, tỉnh Lào Cai sẽ quan tâm phát triển 06 nhóm ngành nghề nông thôn với mục tiêu phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Rộn ràng Ngày hội đọc sách tại trường PTDTBT THCS Bản Khoang, xã Ngũ Chỉ Sơn, Sa Pa

Ngày 19/4/2024, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức Ngày hội đọc sách tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bản Khoang (xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa). Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 10,77% trở lên đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh

Đó là mục tiêu được tỉnh Lào Cai đặt ra đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh trong năm 2024.

3 dự án về nông nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư

Quý I/2024, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 3 dự án về nông nghiệp.

Lào Cai phát triển vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới

Năm 2024, tỉnh Lào Cai tiếp tục tập trung nguồn lực nhằm xây dựng ổn định và nâng cao chất lượng vùng cây ăn quả ôn đới gắn với sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông nghiệp. Tăng cường quảng bá phát triển mở rộng các mô hình sản xuất gắn với du lịch nông nghiệp, phục vụ nhu cầu du khách góp phần...

Triển khai công bố hiện trạng rừng tỉnh Lào Cai năm 2023

Để đảm bảo số liệu hiện trạng rừng phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp và công tác kiểm tra, giám sát ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 1522/UBND-NLN chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương triển khai một số nội dung về công bố hiện trạng rừng tỉnh...