Kết quả Phiên họp lần thứ hai của Hội đồng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tổ chức tại Auckland, Niu Di-lân

Các quan chức cấp cao và đoàn đại biểu của 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bao gồm Ốt-xtrây-lia, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Niu Di-lân, Ma-lai-xia, Mê-hi-cô, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam, đã tham dự phiên họp lần thứ hai của Hội đồng CPTPP và phiên họp của các cơ quan trực thuộc Hội đồng tổ chức từ ngày 7 – 9 tháng 10 năm 2019 tại Auckland, Niu Di-lân.

Đoàn đại biểu Việt Nam gồm đại diện của các Bộ Công Thương, Tài chính, Ngoại giao, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu.

Tại phiên họp này, các quan chức cấp cao đã thảo luận và thông qua Tuyên bố chung về kết quả của phiên họp và 2 Quyết định quan trọng, bao gồm: (i) Quyết định về quy trình thủ tục của Hội đồng CPTPP theo Điều 27.4 của Chương 27 – Các điều khoản hành chính và thể chế và (ii) Quyết định thành lập Danh sách trọng tài được chỉ định sẵn làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài theo Điều 28.11 của Chương 28 – Giải quyết tranh chấp nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Hội đồng và cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định.

Cũng trong khuôn khổ của phiên họp Hội đồng lần này, 12 cơ quan trực thuộc Hội đồng đã tổ chức phiên họp đầu tiên của mình kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, bao gồm: Ủy ban Thương mại Hàng hóa, Thương mại Nông nghiệp, Quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ (ROO), Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Doanh nghiệp nhà nước và độc quyền chỉ định (SOEs), Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), Lao động, Môi trường, Phát triển, Hợp tác và Nâng cao năng lực, Cạnh tranh và Thuận lợi hóa hoạt động kinh doanh. Nội dung thảo luận chủ yếu của các cơ quan này tập trung vào công tác giám sát và đảm bảo việc thực thi đúng và đầy đủ các quy định của Hiệp định cũng như xây dựng và giám sát tiến độ của các chương trình làm việc đã được quy định trong Hiệp định. Các nước cũng xác định các lĩnh vực hợp tác giữa các thành viên CPTPP nhằm đạt được các mục tiêu trong các Chương liên quan. Kết quả làm việc của các cơ quan trực thuộc này đã được báo cáo lên phiên họp Hội đồng của các quan chức cấp cao.

Bên cạnh đó, các quan chức cấp cao cũng được cập nhật về tình hình phê chuẩn của các bên ký kết mà chưa phê chuẩn Hiệp định và khuyến khích các bên này nỗ lực hoàn thành các thủ tục nội bộ nhằm sớm đưa Hiệp định vào hiệu lực. Liên quan tới thủ tục kết nạp thành viên mới, các quan chức cấp cao cũng hoan nghênh và tái khẳng định sự quan tâm của các nền kinh tế khác đối với việc gia nhập Hiệp định hướng tới mở rộng Hiệp định đối với những nền kinh tế sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Hiệp định CPTPP.

Ngoài ra, để thúc đẩy hiệu quả của quá trình thực thi Hiệp định CPTPP, các quan chức cấp cao đã thống nhất về chương trình làm việc của các cơ quan trực thuộc của Hội đồng chưa được nhóm họp lần này, cũng như chỉ đạo cấp kỹ thuật cân nhắc và quyết định những loại dữ liệu quan trọng cần thu thập và chia sẻ giữa các nước với mục đích nâng cao nhận thức về sự đóng góp của Hiệp định CPTPP đối với quan hệ hợp tác kinh tế giữa các thành viên.

Đoàn Việt Nam đã tham gia đầy đủ và có nhiều đóng góp tích cực vào tất cả các phiên họp nêu trên. Tại phiên họp của Hội đồng cũng như của các cơ quan trực thuộc, đoàn ta đã chủ động cập nhật cho các nước về tình hình thực thi Hiệp định của Việt Nam và kế hoạch triển khai các công việc trong thời gian tới. Những ý kiến đóng góp và thông tin cập nhật của Việt Nam đã được các thành viên CPTPP đánh giá cao. Các nước khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam nhằm thực thi hiệu quả hơn nữa các cam kết của Hiệp định này trong thời gian tới.

Phiên họp tiếp theo của Hội đồng CPTPP sẽ được tổ chức tại Mê-hi-cô vào năm 2020.

Nội dung của Tuyên bố chung, các Quyết định của phiên họp Hội đồng của các quan chức cấp cao có thể được tham khảo tại đây:

1. Tuyên bố chung của các các quan chức cấp cao tại phiên họp lần thứ 2 Hội đồng CPTPP

2. Các Quyết định của Hội đồng CPTPP

2.1. Quyết định về quy trình thủ tục của Hội đồng CPTPP theo Điều 27.4 của Chương 27 – Các điều khoản hành chính và thể chế

2.2. Quyết định thành lập Danh sách trọng tài được chỉ định sẵn làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài theo Điều 28.11 của Chương 28 – Giải quyết tranh chấp

http://cptpp.moit.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&category_id=8be36248-117a-4530-814c-555746b31c92&id=f0100f1d-6ae7-4512-9ea9-70378a48f59f

theo Cổng TTĐT Bộ Công thương

Tin Liên Quan

Việt Nam thực hiện thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với Myanmar, Philippines theo Hiệp định RCEP

Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 129/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giai đoạn 2022 - 2027.

Vương quốc Anh chính thức ký thỏa thuận gia nhập CPTPP

Sáng nay (16/7), tại Auckland, New Zealand, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch đã chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Quốc gia thứ 9 phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Ngày 5/10, Chính phủ Malaysia thông báo đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và trở thành quốc gia thứ 9 phê chuẩn Hiệp định này.

Triển khai thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025

Nhằm cụ thể hóa và tổ chức triển khai những nhiệm vụ chủ yếu đề ra trong Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) tại Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ; ngày 03/12/2021, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch số...

Xuất siêu sang thị trường CPTPP

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, Việt Nam xuất siêu 86,28 triệu USD hàng hóa sang thị trường các quốc gia thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tham gia CPTPP với Anh

Việt Nam, với tư cách là nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẵn sàng chia sẻ thông tin, cũng như kinh nghiệm tham gia CPTPP nếu phía Anh quan tâm.