Đội Hoàng Sa - Lực lượng chuyên trách thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa giai đoạn từ đầu thế lỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX

Các nhà nước phong kiến Việt Nam xưa do ý thức được sâu sắc vị trí đặc biệt quan trọng của biển, đảo trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước nên từ rất sớm đã có chiến lược biển đảo và đề ra các chủ trương khai chiếm các quần đảo giữa Biển Đông. Để biến các chủ trương đó thành hành động thực tế, nhà nước đã tổ chức riêng các cơ quan với những lực lượng chuyên trách việc kiểm tra, kiểm soát bảo vệ và khai thác Biển Đông, trong đó đội Hoàng Sa là một trường hợp hết sức tiêu biểu.
Cuốn sách cổ ghi chép tương đối đầy đủ và cụ thể những điều tai nghe, mắt thấy về đội Hoàng Sa là Phủ Biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn viết vào năm 1776 cho biết: “Phủ Quảng Ngãi ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré, rộng hơn 30 dặm, trước có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển 4 canh thì đến, phía ngoài nữa có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi 3 ngày 3 đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải”  và “Phủ Quảng Ngãi huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía đông bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có Bãi Cát Vàng dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong suốt đáy. Bên đảo có vô số tổ yến; các thứ chim có hàng nghìn hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Bên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà cừ, để khảm đồ dùng; lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được. Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba, tục gọi là trắng bông, giống như đồi mồi mà nhỏ, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái muối ăn được. Có hải sâm, tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bãi, lấy về dùng vôi xát qua, bỏ ruột phơi khô, lúc ăn thì ngâm nước cua đồng cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt. Thuyền các nước ngoại phiên bị bão thường bị hoại  ở đảo này.

Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiến, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về...

Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm hóa vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được.

Hoàng Sa chính gần phủ Liêm Châu đảo Hải Nam, người đi thuyền có lúc gặp thuyền đánh cá Bắc quốc, hỏi nhau ở trong biển. Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hoá nói rằng: năm Kiền Long thứ 18 (1753) có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh đội Cát Liềm huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu  sai cai bạ Thuận Hoá là Thức Lượng hầu làm thư trả lời” .

Các tác giả trong nước và quốc tế đều thống nhất cho rằng đây là nguồn tài liệu xác thực và có giá trị quan trọng bậc nhất để nghiên cứu về đội Hoàng Sa.. Bài viết này xin được bắt đầu từ các thông tin cơ bản trong sách Phủ Biên tạp lục và mở rộng điều tra khảo sát các nguồn tư liệu đương đại khác của Việt Nam và nhiều nước có liên quan. Trên cơ sở đó, chúng tôi phác dựng lại hình ảnh khách quan và chân thực của công cuộc khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền của các nhà nước Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa thông qua hoạt động của đội Hoàng Sa trong khoảng 2 thế kỷ, tính từ những thập kỷ đầu thế kỷ XVII cho đến đầu thế kỷ XIX.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) - Người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam tổ chức đội Hoàng Sa trấn giữ Biển Đông.

Bộ chính sử được hoàn thành chỉ một thời gian ngắn sau Phủ Biên tạp lục là Đại Việt sử ký tục biên. Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) do Quốc sử viện thời Lê Trịnh tổ chức biên soạn, nối tiếp vào quyển XIX sách Đại Việt sử ký toàn thư, trong đó đoạn ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa trên căn bản không khác ghi chép của Lê Quý Đôn . Đại Nam thực lục tiền biên là phần đầu bộ chính sử của vương triều Nguyễn được khởi soạn năm 1821, hoàn thành và khắc in năm 1844, nhân nói đến sự kiện tháng 7 năm 1754 “dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa [Nguyễn Phúc Khoát] sai viết thư [cám ơn]” đã mô tả Vạn Lý Trường Sa và các đội Hoàng Sa, Bắc Hải được tổ chức từ thời “quốc sơ” (tức là từ thời các chúa Nguyễn đầu tiên) không có gì khác với Phủ Biên tạp lục và Đại Việt sử ký tục biên.   

Toản tập An Nam lộ của Đỗ Bá Công Đạo người xã Bích Triều, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An soạn năm Chính Hoà thứ 7 (1686), phần bản đồ phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi, phía ngoài biển có vẽ Bãi Cát Vàng và ghi chú rõ: “Bãi Cát Vàng phỏng dài 400 dặm, rộng 20 dặm, ở giữa biển khoảng từ cửa biển Đại Chiêm kéo đến cửa biên Quyết Mông. Gió tây nam thuyền đi vào trong sẽ tắc lại đó, gió tây bắc mà thuyền đi cũng bị tắc lại đó, đều bị chết đói, của cải phải bỏ lại đó. Mỗi năm đến tháng cuối đông [chúa Nguyễn] đưa 18 chiếc thuyền đến đó [Bãi Cát Vàng] lấy vàng bạc... Từ cửa Đại Chiêm đến bãi đảo ấy thuyền đi một ngày rưỡi. Ở bãi đó cũng sinh sản loại đồi mồi”. 

Khoảng một thập kỷ sau, vị Hoà thượng Trung Quốc nổi tiếng trụ trì ở chùa Trường Thọ, tỉnh Quảng Đông là Thích Đại Sán sang Đàng Trong trên đường về nước đã mô tả khá chi tiết về bãi cát Vạn Lý Trường Sa là “những cồn cát thẳng giữa biển, chạy dài từ đông bắc qua tây nam, động cao dựng đứng như bức tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển, mựt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành. Bãi cát rộng đến trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là Vạn Lý Trường Sa, mù tít chẳng tháy cây cỏ nhà cửa; nếu thuyền bị trái gió, trái nước tất vào, dẫu không tan nát, cũng không gạo không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quãng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bẩy trăm dặm”. Thích Đại Sán cho biết: “Các Quốc vương thời trước [tức các Chúa Nguyễn trước Nguyễn Phúc Chu (1691-1725)] hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo các bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư hỏng dạt vào. Mùa thu nước ròng cạn, chẩy rút về hướng đông, bị một ngọn sóng đẩy đi, thuyền có thể trôi xa trăm dặm; gặp khi gió mạnh, càng sợ hiểm họa Trường Sa”.

Năm 1701, nghĩa là chỉ 15 năm sau bản đồ Đỗ Bá và 4-5 năm sau Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán, các giáo sĩ người Pháp trên tầu Amphitrite khẳng định: “Paracel là một quần đảo thuộc về vương quốc An Nam” .

Như thế các tư liệu đương đại của cả Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây đều chép rất cụ thể, rõ ràng và thống nhất về sự hiện diện của đội Hoàng Sa vào thời kỳ đầu của các Chúa Nguyễn trong thế kỷ XVII. Vấn đề đặt ra là vào thời điểm cụ thể nào của thế kỷ XVII và vị Chúa Nguyễn nào là người đầu tiên tổ chức ra đội Hoàng Sa?.

Tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh  còn giữ được tờ đơn đề ngày 15 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) do Hà Liễu là Cai hợp phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh đứng tên xin chấn chỉnh lại đội Hoàng Sa. Đơn cho biết: “Nguyên xã chúng tôi xưa có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Vào năm Tân Mùi (1631?), Đốc chiến là Võ Hệ đã đệ đơn xin tâu được lập hai đội nữa là đội Đại Mạo Hải Ba và đội Quế Hương Hàm với số đinh 30 người, hàng năm thường nạp thuế bằng 10 thạch đồi mồi hải ba, 5 lượng quế hương. Đến năm Quý Mão (1663?) vâng lệnh truyền rằng: dân trong thuộc Hà Bạc ai có bằng son, đơn son thì nạp thuế biệt nạp và mang theo sổ sách, thế là dân số phải bổ sung, dân binh cũng bắt đầu. Đến đó quân nhân xã chúng tôi còn 23 người, phải bổ sung người và chi tiền đi đường như trước, nên Cai đội mới đốc suất được công việc từ đó đến nay. Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm thêm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng, thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu dâng nạp. Nếu như có truyền báo xảy chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm, xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm nhặt bảo vật cùng thuế quan đem phụng nạp, xin dốc lòng làm theo sở nguyện chẳng dám kêu ca. Chúng tôi cúi đầu mong ơn....”.

Đối chiếu tư liệu này với nguồn tư liệu phương Tây đương đại, có thể hình dung ra được một cách cụ thể hơn về thời điểm ra đời của đội Hoàng Sa: Ngày 6 tháng 3 năm 1636, Abraham Duijcker là người điều hành thương điếm Hà Lan ở Faifoo (Hội An) được chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) tiếp. Trong cuộc tiếp kiến này "Duijcker đã chuyển đến Chúa một điều khiếu nại. Đó là việc chiếc tàu mang tên Grootebroek bị đắm ở ngoài khơi bãi cát Paracels, đoàn thuỷ thủ đã được các người Việt xứ Đàng Trong cứu giúp, nhưng đồng thời cũng lấy đi tổng số tiền là 25.580 réaux, vậy nên trưởng điếm Duijcker có nhiệm vụ xin được bồi hoàn món tiền đó. Ông ta được trả lời rằng những việc đó đã được xảy ra từ thời chúa trước [tức chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635)], không nên đề cập đến nữa, ngược lại, người Hà Lan từ nay sẽ được hoàn toàn tự do mang hàng hoá đến buôn bán, được miễn thuế, vả lại, sau này nếu có tàu Hà Lan bị đắm ở ngoài khơi thì sẽ không có chuyện tịch thu hàng hoá được cứu hộ nữa" .

Tư liệu chung quanh vụ đắm tàu Grootebroek ở Hoàng Sa ngày 21 tháng 7 năm 1634 xác nhận vai trò của những đoàn người Việt xứ Đàng Trong ở quần đảo Hoàng Sa làm công tác cứu hộ, rồi đưa các nạn nhân về vùng Quảng Nam. Họ thường xuyên đi thuyền ra Hoàng Sa kiểm soát vùng biển và đảo. Chúng ta có đủ cơ sở để tin rằng lực lượng người Việt xứ Đàng Trong cứu tầu Grootebroek tại Hoàng Sa ngày 21 tháng 7 năm 1634 chính là những người của đội Hoàng Sa đảo Lý Sơn (được thành lập trước năm Tân Mùi (1631) qua phản ánh của tờ đơn xin chấn chỉnh lại đội Hoàng Sa lưu tại nhà thờ họ Võ phường An Vĩnh).

Chúa Nguyễn Hoàng vào nam dựng nghiệp giữa lúc nhu cầu chiếm lĩnh các quần đảo giữa Biển Đông đặt ra gay gắt và bức thiết. Được thừa hưởng những cơ sở và kinh nghiệm của người Chăm và vương quốc Chămpa trước đây, Nguyễn Hoàng đã sớm chăm lo xây dựng các đội thuyền, mở cửa buôn bán với nước ngoài để phát huy sức mạnh trong nước và chuẩn bị những buớc đi đầu tiên cho việc chiếm lĩnh các quần đảo giữa Biển Đông, nhưng chưa thấy có tư liệu nào khả dĩ cho hay vào thời kỳ Nguyễn Hoàng (1558-1613) đã có đội Hoàng Sa. Công việc thực thi chủ quyền ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo chúng tôi, chỉ thật sự bắt đầu khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên lên nắm quyền. Các sự kiện có liên quan đến hoạt động của đội Hoàng Sa xảy ra vào các năm 1634, 1631 hay trước 1631 một ít năm, thì cũng đều nằm trong thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Có đủ cơ sở để khẳng định đội Hoàng Sa xuất hiện lần đầu tiên vào thời thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Nguyên hay chúa Nguyễn Phúc Nguyên chính là người đã lập ra đội Hoàng Sa - một hình thức khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền hết sức độc đáo trên các vùng quần đảo giữa Biển Đông.

Quê hương của đội Hoàng Sa bao gồm cả các thôn xã ở cửa biển Sa Kỳ và các phường trên đảo Lý Sơn

Đội Hoàng Sa qua ghi chép của Lê Quý Đôn và tất cả các nguồn tư liệu chính thức và xác thực là được thành lập trên cơ sở tuyển chọn 70 dân đinh xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. An Vĩnh là một xã ở cửa biển Sa Kỳ (về phía nam), nay là địa bàn thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi . Xã An Vĩnh ở vào thời điểm chúa Nguyễn tuyển chọn dân đinh tổ chức ra đội Hoàng Sa bao gồm hai khu vực cách xa nhau là làng (thôn) An Vĩnh ở cửa biển Sa Kỳ trong đất liền và xóm (phường) An Vĩnh ở ngoài Cù Lao Ré (nay là xã Lý Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Căn cứ vào tờ đơn của phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré xin tách ra khỏi xã An Vĩnh thì được biết phường này do người xã An Vĩnh chiếm dụng được xứ Cù Lao Ré ngoài biển, “phía đông giáp địa phận xã An Hải, phía tây liền biển, phía nam liền biển, phía bắc gần một cù lao nhỏ...” lập ra đã lâu đời và từ năm Quý Tỵ (1773) phường đã làm đơn xin được biệt lập với xã An Vĩnh thành một đơn vị hành chính độc lập. Cũng ngay sau đó dân phường An Vĩnh không vào thờ cúng tại chùa, đình, miếu của làng An Vĩnh trong đất liền nữa mà đã lập ra đình, chùa, miếu ở Cù Lao Ré để thờ cúng riêng. Như thế, đến cuối thế kỷ XVIII, phường An Vĩnh trên Cù Lao Ré đã tách hẳn ra khỏi làng gốc thành một làng riêng và đang từng bước tiến tới một đơn vị hành chính cấp cơ sở của nhà nước, nhưng chưa được nhà nước chấp thuận. Vì chưa được chấp thuận là đơn vị hành chính riêng cho nên trong lá đơn đề năm 1804 dân phường An Vĩnh vẫn phải xin cấp trên miễn cho các việc đắp đê trong đất liền và không ít những nghĩa vụ khác giao chung cho xã An Vĩnh thực hiện. Ngày 17 tháng 2 năm Gia Long thứ 3 (1804) phường An Vĩnh mới chính thức được tách khỏi xã An Vĩnh trở thành một đơn vị hành chính cấp cơ sở trực thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi .

Vào trước thời điểm phường An Vĩnh được tách ra khỏi xã An Vĩnh, những dân đinh xã An Vĩnh được tuyển vào đội Hoàng Sa mặc nhiên phải bao gồm cả dân đinh làng An Vĩnh trong đất liền và phường An Vĩnh ngoài hải đảo. Công việc tổ chức nhân lực, chuẩn bị hậu cần và mọi mặt cho các chuyến đi ra Hoàng Sa, Trường Sa đều do Xã trưởng và bộ máy chức dịch phân cho thôn An Vĩnh trong đất liền và phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré cùng thực hiện. Vì đội Hoàng Sa là một tổ chức thống nhất, hoạt động trong một môi trường cực kỳ khó khăn, nguy hiểm cho nên sự phối hơp chặt chẽ, đồng bộ giữa hai bộ phận trong đất liền và ngoài hải đảo trở thành nguyên tắc tổ chức. Vì thế, thời kỳ đầu thành lập đội Hoàng Sa gồm 5 thuyền, 70 suất thì dường như chưa có sự phân biệt giữa hai bộ phận này. Đến khi số lượng thuyền của đội Hoàng Sa tăng lên gấp nhiều lần số lượng ban đầu và hai khu vực đã tương đối độc lập thì chắc hẳn sự phân công mới diễn ra.

Địa điểm cho đội Hoàng Sa xuất phát tiến ra biển khơi, có thể ở cả Cù Lao Ré và cửa biển Sa Kỳ, nhưng cửa biển Sa Kỳ là bến chính thức theo quy định của nhà nước. Phú Nhuận hầu vào đầu đời vua Gia Long vừa là Cai thủ cửa biển Sa Kỳ vừa kiêm chức Cai cơ Thủ ngự quản đội Hoàng Sa.

Tại thôn An Vĩnh, ngay trên cửa biển Sa Kỳ nay vẫn còn di tích Vườn Đồn ở khu vực đóng quân của đồn biên phòng Sa Kỳ là địa điểm tập kết, huấn luyện, trang bị tàu thuyền, chuẩn bị hậu cần cho các chuyến đi ra Hoàng Sa, Trường Sa. Cách Vườn Đồn khoảng 200 mét là miếu Hoàng Sa  thờ bộ xương đầu của một con cá voi rất lớn, tương truyền do lính Hoàng Sa đưa về từ quần đảo Hoàng Sa. Miếu Hoàng Sa đã bị phá hủy từ gần nửa thế kỷ nay, nhưng bộ xương cá voi xưa, thần linh của miếu vẫn được nhân dân địa phương giữ lại và chuyển sang thờ tại Lăng Chánh ngay cạnh Miếu. Miếu Hoàng Sa chính là nơi những người trong đội Hoàng Sa làm lễ tế thần linh, cầu mong Ông Nam Hải phù giúp cho họ vượt qua được khó khăn, hoạn nạn trong những tháng ngày lênh đênh giữa biển khơi.

Như vậy, không thể quan niệm một cách giản đơn như một số tác giả trước đây rằng 70 suất đinh cung cấp cho đội Hoàng Sa hoàn toàn chỉ là người phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré. Thậm chí có thể nghĩ rằng trong số 70 suất đinh của thời kỳ đầu thành lập đội Hoàng Sa, do dân số phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré chưa đông, nên dân làng An Vĩnh trong đất liền phải gánh vác số lượng nhiều hơn. Khi dân phường An Vĩnh đông lên, trách nhiệm dần dần được chia đều cho cả hai nơi. Theo sách Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh được hoàn thành trong khoảng thời gian ông làm quan ở vùng Thuận Quảng (1775-1785) thì trên Cù Lao Ré khi đó có đội Hoàng Sa Nhị “hàng năm đi 8 chiếc thuyền ra biển nhặt của quý về nộp tại Phú Xuân” . Tư liệu này cho phép đoán định là từ sau năm 1773, khi phường An Vĩnh trên Cù Lao Ré đã trở thành một làng riêng (có đình, chùa, đền, miếu riêng), thì đội Hoàng Sa cũng được phép tách ra thành hai bộ phận tương đối độc lập là đội Hoàng Sa Nhất ở cửa biển Sa Kỳ gồm 10 thuyền và đội Hoàng Sa Nhị ở Cù Lao Ré gồm 8 thuyền. Đến năm 1804, khi phường An Vĩnh đã được nhà nước công nhận là một đơn vị hành chính cấp cơ sở và không còn phụ thuộc vào xã An Vĩnh trong cửa biển Sa Kỳ nữa thì phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré là nơi cung cấp chính nhân lực cho đội Hoàng Sa.

Tuy vậy vào đầu thế kỷ XIX, cửa biển Sa Kỳ vẫn còn là bến chính cho các thuyền bè ra Hoàng Sa, Trường Sa và làng An Vĩnh vẫn tiếp tục cử người tham gia đội Hoàng Sa. Qua văn khế bán đoạn một phần đất của xã An Vĩnh lập năm Gia Long thứ 15 (1816)  nói việc xã An Vĩnh được lệnh tập hợp đội Hoàng Sa đến Kinh đô (Huế) nhận tờ sai để thi hành công vụ thì có thể biết rằng dân xã An Vĩnh vẫn tham gia đội Hoàng Sa cho đến những ngày cuối cùng của đội này. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận một thực tế là vai trò chính đã chuyển sang cho phường An Vĩnh từ những năm đầu thế kỷ XIX.

Điều đáng quan tâm nữa là người tham gia đội Hoàng Sa có bao gồm dân đinh của xã An Hải (nay là xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, phía bờ bắc cửa biển Sa Kỳ) và phường An Hải ở Cù Lao Ré hay không?. Các bộ sử quan trọng nhất chép về đội Hoàng Sa không một lần nhắc đến việc dân đinh của các địa phương trên tham gia vào công việc này. Tuy nhiên vào cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Thông trong cuốn Việt sử cương giám khảo lược (quyển 4) cho biết là ở buổi “quốc sơ” nước ta “thường kén những người đinh tráng của hai hộ An Hải và An Vĩnh mà đặt đội Hoàng Sa để đi kiếm lượm những vật ngoài biển...” . Thực tế khảo sát ở huyện đảo Lý Sơn cũng như ở các làng An Vĩnh (Tịnh Kỳ, Sơn Tịnh), An Hải (Bình Châu, Bình Sơn) đã xác nhận ghi chép của Nguyễn Thông là có cơ sở. Hai làng An Vĩnh, An Hải ở hai bên bờ bắc, bờ nam cửa biển Sa Kỳ vốn có quan hệ mật thiết với nhau và từ thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XVII đã cùng nhau tiến ra “khai chiếm” đảo Lý Sơn . Lục tộc (6 họ: Phạm Văn, Phạm Quang, Võ Xuân, Võ Văn, Lê và Nguyễn) của làng An Vĩnh (huyện Sơn Tịnh) lập ra phường An Vĩnh là khu vực xã Lý Vĩnh, Lý Sơn hiện nay; còn Thất tộc (7 họ: Nguyễn, Trương, Dương, Nguyễn, Nguyễn, Trần, Võ) của làng An Hải (huyện Bình Sơn) lập ra phường An Hải là khu vực xã Lý Hải, Lý Sơn hiện nay. Tuy đã là các phường riêng, nhưng cho đến trước năm 1804, các phường An Vĩnh, An Hải vẫn còn phụ thuộc vào đất liền và chịu chung nghĩa vụ với các làng quê gốc ở vùng cửa biển Sa Kỳ. Truyền thuyết cho hay, ngày xưa mỗi lần trong đất liền có việc, chỉ cần gióng trống là người ngoài đảo Lý Sơn kéo nhau về làng đầy đủ. Tuy trên đảo, ranh giới hai phường An Vĩnh, An Hải là khá rõ ràng, nhưng trong thực tế dân cư hai phường đều có mối quan hệ gắn bó với nhau. Họ Phạm Văn ở phường An Hải có cùng nguồn gốc với họ Phạm Văn ở phường An Vĩnh. Gia phả và tài liệu truyền miệng cho hay, cụ tổ dòng họ là Phạm Văn Nhiên vốn là người đi lính Hoàng Sa trở về và chuyển sang lập nghiệp ở An Hải. Con cháu cụ theo truyền thống của dòng họ vẫn tiếp tục đi ra Hoàng Sa. Họ Mai ở An Hải lại không phải từ vùng cửa biển Sa Kỳ ra mà từ vùng Gia Định đến phường An Hải vào cuối đời Lê Mạt. Khoảng thời vua Gia Long (1802-1820), trong họ có nhiều người tham gia đội Hoàng Sa như Mai Văn Chang, Mai Văn Lòn... Tuy thế, trong thực tế, người tham gia đội Hoàng Sa trước sau vẫn chủ yếu là người xã An Vĩnh trong đất liền và phường An Vĩnh ngoài hải đảo và ngay cả đến lúc đã chia tách thành các đơn vị hành chính độc lập thì họ vẫn gắn bó máu thịt với nhau trong sứ mệnh thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền biển đảo.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
          (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển)

(còn nữa)
Theo biengioilanhtho.gov.vn

Tin Liên Quan

Căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Thời kỳ từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến Chiến thắng Mùa xuân 1975

Bản đồ cổ Trung Quốc khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Nhiều bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ đều cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Thêm tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Cuốn sách vừa được phát hiện mang tên "Khải đồng thuyết ước” được xác định là cuốn sách viết bằng chữ Hán và chữ Nôm từ thời vua Tự Đức, ghi chép về thiên văn, địa lý do soạn giả Kim Giang Phạm Phục Trai thi Ân khoa năm Thiệu Trị thứ...

Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên các bản đồ nước ngoài

Hiện tại các trung tâm lưu trữ trên thế giới còn lưu giữ nhiều bản đồ cổ, trong đó thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam.

Các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Phần XV

Châu bản triều Nguyễn là một loại văn bản hành chính của các vương triều phong kiến Việt Nam dưới thời các vua nhà Nguyễn. Việc xác lập và thực thi chủ quyền của triểu đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thể...

Các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Phần XIV

Châu bản triều Nguyễn là một loại văn bản hành chính của các vương triều phong kiến Việt Nam dưới thời các vua nhà Nguyễn. Việc xác lập và thực thi chủ quyền của triểu đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thể...