Về thăm cọn nước Làng Là

Ai về Làng Là, một bản Tày thuộc xã Xuân Thượng (Bảo Yên) đều có chung cảm nhận về một miền quê thanh bình, yên ả. Làng Là có những ngôi nhà sàn nằm ẩn trong rừng cọ, có cánh đồng lúa xanh, dòng suối mát và đặc biệt nhất là vẫn còn đó những cọn nước cần mẫn vòng quay vĩnh cửu với thời gian.

Không ai biết chính xác chiếc cọn nước vùng Tây Bắc có từ bao giờ, nhưng ở Lào Cai thì cọn nước xuất hiện đầu tiên ở bản Tày xã Nghĩa Đô rồi sau đó ở Làng Là (xã Xuân Thượng). Cho đến nay cũng chỉ có hai xã này là còn những cọn nước lớn nhỏ trên suối. Theo như những cụ già kể lại, trước đây, cánh đồng Làng Là năm nào cũng khô hạn, suối chảy giữa đồng vậy mà ruộng thiếu nước, nhìn cây lúa trên những thửa ruộng cao cứ úa vàng mà xót xa. Mọi người đều nghĩ cách cứu lúa mà không phương án nào khả thi. Khi đó có chàng nông dân bản Tày Nghĩa Đô mới về làm rể Làng Là tên là Lương Văn Bạ nói có thể làm cho nước dưới suối chảy ngược lên ruộng cao, thậm chí lên đồi được mà không cần tốn nhiều công sức. Mọi người tưởng anh chàng ba hoa nên chẳng ai tin. Để chứng minh điều mình nói là đúng, anh đã tự tay vào rừng chặt gỗ, chặt tre về làm chiếc cọn nước đầu tiên đặt trên dòng suối Làng Là trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Theo mỗi vòng quay của cọn, dòng nước được chuyển lên cao theo máng vầu chảy vào ruộng mà không phải mất sức dùng gầu tát nước hay gánh từng gánh lên ruộng khổ sở như trước nữa. Vậy là được sự hướng dẫn của anh Bạ, nhà nhà đua nhau làm cọn nước cứu lúa. Nhờ có cọn nước mà cánh đồng Làng Là năm đó lúa tốt bời bời, bà con phấn khởi lắm.

Trưởng thôn Phan Kim Sê bảo, ông Lương Văn Bạ vì tuổi cao, sức yếu nên đã mất hơn 5 năm nay, nhưng cứ nhìn cọn nước là mọi người lại nhớ đến ông và thầm cảm ơn người đầu tiên đã đưa cọn nước về làng. Làng Là hiện nay vẫn chưa có kênh mương kiên cố nên cọn nước vẫn hữu dụng. Nếu không có gần chục chiếc cọn nước thì khoảng 3 ha trong tổng số gần 10 ha lúa của thôn năm nào cũng thiếu nước, mất mùa…

Để làm ra một chiếc cọn nước rất kỳ công, anh Lương Văn Họ, con trai của ông Lương Văn Bạ, được cha truyền lại nghệ thuật làm cọn nước một cách tỉ mỉ nhất. Nhà anh cũng là duy nhất ở Làng Là hiện nay có tới 3 chiếc cọn nước. Anh Họ cho biết: Vật liệu làm cọn chủ yếu là gỗ, tre, nứa, giang, mây. Tùy từng cọn lớn hay nhỏ mà đường kính từ 2m đến 3m hoặc to hơn. Cọn nước giống như chiếc bánh xe đạp khổng lồ, có trục giữa bằng gỗ tốt, nan hoa bằng tre, cánh quạt đan bằng nứa và những chiếc máng nhỏ để lấy nước bằng vầu già. Cọn lợi dụng sức chảy của dòng nước để quay tròn, khi quay lấy nước vào máng đưa lên cao đổ vào máng dài dẫn vào ruộng lúa. Chỗ đặt cọn phải là vị trí suối có nước chảy đều, mùa lũ nước không quá lớn sẽ làm cọn nhanh hỏng, mùa khô cũng không quá cạn để cọn vẫn quay đều được. Mỗi chiếc cọn nước làm nhanh cũng phải mất 3 - 4 ngày, có khi hàng tuần mới xong. Tuổi thọ trung bình của một cọn được khoảng trên dưới 2 năm. Cứ đến mùa cày cấy là mọi người trong thôn lại rủ nhau lên rừng lấy tre, nứa về làm cọn, giúp nhau dựng cọn trên suối…

Đến thăm Làng Là hôm nay thấy phong cảnh làng quê thật yên ả, thanh bình. Bản Tày với những nếp nhà sàn nằm lẫn trong rừng cọ. Đồng ruộng mướt xanh. Trên dòng suối Là chảy giữa cánh đồng vẫn là hình ảnh quen thuộc của những chiếc cọn nước đều đều vòng quay đưa nước vào ruộng. Âm thanh róc rách đều đều của tiếng nước chảy và vòng xoay của cọn nước đêm ngày đi vào nỗi nhớ mỗi người dân.

Có biết bao đôi trai gái bản nên duyên, thành vợ thành chồng nhớ về kỷ niệm những đêm trăng sáng hẹn hò tâm tình bên cọn nước. Lũ trẻ chăn trâu thì chiều nào cũng rủ nhau ra suối tắm, lặn ngụp mò cua, bắt cá, té nước trêu nhau bên cọn nước. Những cụ già nhìn cọn nước đều đều quay mà nghĩ về thời gian bất tận, về những ngọt ngào, đắng cay của cuộc đời… Chiếc cọn nước trở thành mảnh hồn quê, mà dù đi đâu, về đâu người dân bản Tày đều không thể nào quên.

Anh bạn đồng nghiệp của tôi đến thăm Làng Là lần đầu không khỏi ngỡ ngàng trước những chiếc cọn nước đơn sơ bên suối, rồi bảo sao người ta cứ phải đi đâu chụp ảnh cưới nhỉ, cọn nước làng quê đẹp thế này bây giờ hiếm hoi lắm đấy… Tôi thì nghĩ chiếc cọn nước là một nét văn hóa độc đáo của Làng Là, của Bảo Yên, sau này dù làng quê đổi thay thế nào, kênh mương kiên cố thế nào đi nữa thì cũng đừng phá bỏ đi hình ảnh đẹp ấy. Sẽ thật tiếc nếu sau này trở lại Làng Là thấy vắng bóng cọn nước bên suối, chỉ còn được ngắm cọn qua những bức ảnh tư liệu hôm nay…

Tuấn Ngọc - Hữu Bằng (Báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Sa Pa - hướng tới Đô thị du lịch sạch ASEAN

Sa Pa được biết đến là một điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với khí hậu trong lành, mát mẻ mang sắc thái Châu Âu hội tụ 4 mùa trong 1 ngày - là điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng vào mùa Hè và là nơi khám phá, trải nghiệm tuyết độc đáo vào mùa Đông. Đặc biệt, Sa Pa được công nhận là Khu du lịch...

Ngày hội văn hóa du lịch Sa Pa tại Hà Nội

Từ ngày 05/4/2024 đến ngày 07/4/2024, tại Khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội sẽ diễn ra Ngày hội văn hóa du lịch Sa Pa. Chuỗi hoạt động giới thiệu quảng bá du lịch Sa Pa tại Hà Nội hứa hẹn sẽ tạo ra một sự kiện mang sắc màu văn hóa đặc sắc của Sa Pa giữa lòng thủ đô Hà Nội,...

Khám phá điểm săn mây đẹp nhất Si Ma Cai

Si Ma Cai là huyện vùng cao nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, chợ Cán Cấu đậm đà sắc màu văn hóa, Sín Chéng với những thửa ruộng bắc thang lên trời, dòng sông Chảy quanh năm nước xanh ngọc bích và nhiều điểm du lịch chưa được khai thác. Nhưng bất cứ ai đến với Si Ma Cai cũng muốn check-in tại...

Lào Cai xây dựng các sản phẩm du lịch xanh

Năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch xanh nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương.

Đại ngàn Y T‎ý bung nở ngàn hoa

Sau giấc ngủ đông dài, đại ngàn Y Tý (huyện Bát Xát) và các xã lân cận đang bung nở muôn nghìn sắc hoa. Những cây lê, sơn tra, mận trồng trong vườn nhà hay mọc hoang dại trong rừng thẳm, bên đường xa đang độ rực rỡ nhất năm, tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp.

Xứ sở 5 mùa lễ hội

Năm 2023, du lịch tỉnh Lào Cai tạo đột phá khi đón lượng khách lớn nhất từ trước đến nay với hơn 7,2 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 22.000 tỷ đồng.