Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm DOC trong bối cảnh hiện nay

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh khẳng định Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình hiện nay.

Kỷ niệm 10 năm DOC, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã ra một Tuyên bố chung tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc ngày 19/11 tại Phnom Penh, Campuchia. 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh.

“Ý nghĩa quan trọng nhất của Tuyên bố chung nằm ở 3 điểm: Các nước ASEAN và Trung Quốc tái cam kết ở cấp cao nhất với những nguyên tắc của DOC; nhất trí với nhau ở cấp cao nhất cùng hướng tới bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); nâng cơ chế thực hiện lên cấp Bộ trưởng”, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cho biết ngày 23/11.

Nâng cơ chế thực hiện lên cấp Bộ trưởng

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, trong nhiều năm qua, các nước đã đạt được nhận thức chung rằng hòa bình, ổn định, an ninh, trong đó có an ninh an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông là cực kỳ quan trọng với khu vực, với tất cả các nước.

Các nước, không chỉ trong khu vực, cũng đều nhận thấy sự phức tạp trong đòi hỏi chủ quyền và tranh chấp lãnh thổ của các nước, “nhưng tình hình càng phức tạp càng cần những nguyên tắc, quy tắc ứng xử, càng cần các nước ngồi lại với nhau để đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh an toàn”. Nếu không có các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển và DOC, các sự việc chắc chắn sẽ phức tạp hơn.

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã giao các Bộ trưởng và các quan chức cấp cao triển khai và kiểm điểm thường xuyên việc thực hiện Tuyên bố chung. Đây là một bước tiến lớn so với DOC, vì DOC chỉ có cơ chế không chính thức là hội nghị các quan chức cấp cao (SOM).

Tuyên bố chung càng có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh các nước đã có những bước tiến nhất định trong việc xây dựng lòng tin và thực hiện DOC trong 10 năm qua, nhưng cũng có không ít diễn biến phức tạp. Việc tái cam kết những nguyên tắc ở cấp cao nhất sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho việc đảm bảo hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển.

Đây cũng là lần đầu tiên các lãnh đạo cấp cao nhất của ASEAN và Trung Quốc khẳng định lại những giá trị, những nguyên tắc đã đề ra trong DOC, là nền tảng để tất cả các nước và tất cả các cấp cùng thực hiện. Việc lãnh đạo cấp cao thống nhất hướng tới xây dựng COC sẽ tạo ra đường hướng cho các quan chức có thể thúc đẩy đàm phán, xây dựng COC.

ASEAN đã thống nhất về các thành tố cơ bản của COC

Từ tháng 11/2011, ASEAN đã khởi động tham vấn nội bộ để hình thành quan điểm về các thành tố cần thiết để COC thực sự hiệu quả. Ngày 25/6/2012, dưới sự điều phối của Việt Nam, ASEAN đã đạt được một tài liệu có tên Đề nghị của ASEAN về những thành tố cơ bản của COC.

Tài liệu khẳng định: Về quan điểm, phải nhấn mạnh những giá trị, những nguyên tắc cơ bản, tích cực của DOC, nhưng trước những đòi hỏi của tình hình và kinh nghiệm 10 năm thực hiện DOC, phải nâng cao hơn nữa giá trị ràng buộc, ít nhất là cam kết chính trị cao hơn. Đồng thời, phải cụ thể hóa hơn những quy định của DOC, có cơ chế thực hiện, đảm bảo giám sát hiệu quả và làm sao có một cơ chế của khu vực dưới khuôn khổ COC để quản lý không để xảy ra những sự việc diễn biến phức tạp, không để tranh chấp leo thang.

ASEAN và Trung Quốc đã bắt đầu quá trình tham vấn dù không chính thức để tạo một tiền đề và cơ sở để hai bên hiểu nhau hơn về cách tiếp cận, về định hướng và cấu trúc của COC. Trong thời gian tới, trên cơ sở Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm DOC, hai bên sẽ đẩy mạnh tham vấn về vấn đề này.

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cho rằng để xây dựng thành công COC, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo lợi ích chung, nguyên tắc chung, dung hòa được mục tiêu chung với lợi ích quốc gia rất khác nhau của các nước. Trong chặng đường tới, ASEAN sẽ chia sẻ những quan điểm của mình, đồng thời thuyết phục Trung Quốc hiểu rằng đó là nguyện vọng chung, quan tâm chung, nhu cầu chung có thể đáp ứng tình hình trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện DOC.

Song hành với đó, phải tiếp tục thực hiện DOC, không được làm phức tạp thêm tình hình hay làm trái với tinh thần DOC.

Quan tâm chung và lợi ích chung của các nước

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh: Nếu nói đến quốc tế hóa hay không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông để phủ nhận rằng vấn đề hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông không thuộc quan tâm chung và lợi ích chung của các nước và khu vực, thì hoàn toàn không đúng.

Lý do là ở đây có những tuyến đường hàng hải chiến lược rất quan trọng với tất cả các nước, không chỉ các nước trong khu vực. Thứ hai, vấn đề Biển Đông trong nhiều năm nay đã được trao đổi, bàn bạc ở rất nhiều khuôn khổ, diễn đàn khác nhau.

Lý do thứ ba, những tranh chấp lãnh thổ liên quan đến 2 bên thì 2 bên giải quyết với nhau, những tranh chấp liên quan nhiều bên thì nhiều bên giải quyết với nhau, nhưng để tranh chấp không ảnh hưởng đến mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tức là quản lý tranh chấp, quản lý xung đột và hành vi ứng xử của các bên, lại cần một khuôn khổ khu vực, đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước khác nhau trong khu vực.

Tất cả các nước phải thực hiện cam kết, ràng buộc về mặt pháp lý có giá trị toàn cầu là luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển. Các nước ASEAN và Trung Quốc phải thực hiện nghiêm túc DOC và Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm DOC. Bản thân các nước ASEAN phải thực hiện những tuyên bố, thỏa thuận đã đạt được trong nội khối, mà gần đây nhất là “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông” được công bố ngày 20/7/2012.

Các nước bên ngoài phải tạo điều kiện, hỗ trợ, ủng hộ cho các nước thực hiện các thỏa thuận đã có, để tạo dựng mục tiêu chung hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải.

“Không ai kéo người khác vào đây để làm xung đột gia tăng, để bên này hay bên kia chống lại nhau. Các nước vì trách nhiệm chung, quan tâm chung là vấn đề hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, thì phải khuyến khích ASEAN và Trung Quốc xây dựng được COC”, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nói./.

 

Theo Hànộimới

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...