Xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp bền vững

Sản xuất theo quy trình VietGAP là đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người lao động - phúc lợi xã hội và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Tại Lào Cai, sản xuất theo quy trình VietGAP được triển khai từ năm 2011 và đang chứng minh là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Trong thời gian qua, Lào Cai đã chọn lựa được một số nông sản có lợi thế cạnh trạnh cao để hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển theo hướng VietGAP. Tiêu biểu là việc triển khai cây chè ở các huyện: Mường Khương, Bảo Thắng; cây rau ở các huyện: Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai.

Tại vùng sản xuất rau an toàn của xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai), toàn bộ khu vực trồng rau đều có cách ly để sản phẩm không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây ô nhiễm. Các góc vườn rau có bể hoặc dụng cụ chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật với mái che, không để thuốc bảo vệ thực vật tồn dư phát tán ra bên ngoài…

Bà Phạm Thị Thùy, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai) cho biết, xã có 42 ha đất sản xuất, thì có tới 33 ha trồng rau. Năm 2013, ngành nông nghiệp đã triển khai mô hình sản xuất rau an toàn tại xã, hiện sản phẩm rau an toàn của nông dân Vạn Hòa cung cấp ra thị trường với giá bán khá cao, nhất là đầu vụ. Giá trị sản xuất bình quân đạt 80 - 100 triệu đồng/ha/năm, cá biệt một số loại rau xanh như bí, cà chua, súp lơ, bắp cải, đạt trên 150 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với trồng rau thông thường. Rau an toàn của Vạn Hòa trồng đến đâu được khách đặt mua hết đến đấy, nông dân không còn khó khăn trong tìm kiếm thị trường.
 


Người dân xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai) chăm sóc rau.

Toàn tỉnh hiện có 586 ha đất canh tác ổn định để tổ chức sản xuất rau an toàn, tập trung ở các huyện: Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai. Dự án “Phát triển sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP giai đoạn 2013 - 2015” có mục tiêu là hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm rau an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. Tổng diện tích gieo trồng đối với Dự án là 75 ha, trong đó năm 2014 thực hiện 24 ha tại 5 xã với 181 hộ tham gia. Dự án đã triển khai mô hình trình diễn sản xuất 4 loại rau an toàn theo hướng VietGAP là bắp cải, su hào, súp lơ, cà chua… Theo đánh giá của cơ quan quản lý, Dự án sản xuất rau an toàn đã làm thay đổi nhận thức của người dân trồng rau như hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, chuyển từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá tập trung gắn với nhu cầu của thị trường. Dự án cũng nâng cao được nhận thức, đạo đức kinh doanh, việc sản xuất ra sản phẩm không gây hại cho người tiêu dùng và nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích đất canh tác. Hiệu quả kinh tế từ trồng rau an toàn theo hướng VietGAP cao gấp 3 lần so với trồng lúa, ngô truyền thống.

Đến thăm vùng chè nguyên liệu của Công ty TNHH một thành viên Chè Thanh Bình (Mường Khương) chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn về sản xuất theo chuẩn VietGAP. Với quy trình này, cây chè ít sâu bệnh hơn, hộ trồng chè được doanh nghiệp hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc đến thu hái theo đúng quy trình kỹ thuật. Việc cung ứng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ, đúng danh mục, từ đó kiểm soát được chất lượng đầu vào của vật tư, phân bón. Về hiệu quả kinh tế, sản xuất chè theo chuẩn VietGAP đã làm năng suất chè tăng từ 5% - 10%, tương đương mức 2 - 2,5 tấn chè búp/ha/năm. Giá bán nguyên liệu chè búp tươi tăng 500 đồng/kg, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 2 - 3 lần/năm, thu nhập của người trồng chè tăng 2,5 - 3 triệu đồng/năm với mỗi ha. Đối với Công ty TNHH một thành viên Chè Thanh Bình, Dự án là cơ sở thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất, cho ra nhiều sản phẩm mới, giá trị sản phẩm tăng cao, riêng sản phẩm xuất khẩu tăng từ 0,1 - 0,2 USD/kg chè thành phẩm.

Thành công ban đầu của quy trình sản xuất VietGAP đã mở ra hướng đi mới nhằm phát triển nông nghiệp bền vững tại Lào Cai, song vẫn còn một số hạn chế như: Tình trạng sản phẩm nông nghiệp theo VietGAP còn thiếu ổn định, một số mô hình trồng rau an toàn tại xã Quang Kim (Bát Xát) và thành phố Lào Cai... việc tìm chỗ đứng cho sản phẩm rau an toàn trên thị trường còn khó khăn. Người sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP đang rất cần cơ chế, chính sách phù hợp để quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng. Cơ quan chuyên môn cần có sự vào cuộc tích cực hơn, cụ thể như việc xây dựng các điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm tại các chợ đầu mối, điểm dân cư tập trung, dọc các tuyến giao thông chính để người tiêu dùng biết và sử dụng sản phẩm này ở phạm vi rộng hơn./.
Theo Kim Thoa/LCĐT

Tin Liên Quan

Nhiều hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2024

“Đảm bảo cấp nước sạch an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu” là chủ đề của Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường làm việc với các ngành của tỉnh Nagano

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, chiều 22/4, Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với các ngành của tỉnh Nagano.

Lào Cai xếp thứ 5 toàn đoàn tại Giải Vô địch cử tạ thanh thiếu niên quốc gia

Với 5 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, đoàn Lào Cai được xếp hạng thứ 5/31 đoàn dự Giải Vô địch cử tạ thanh thiếu niên quốc gia năm 2024.

Tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin từ cơ quan báo chí bằng văn bản điện tử

Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Công văn số 1934/UBND-VX về việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin từ cơ quan báo chí bằng văn bản điện tử, thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, kể từ ngày 01/5/2024.

Học sinh Trường THPT Chuyên Lào Cai giành vòng nguyệt quế cuộc thi tuần Đường lên đỉnh Olympia

Tại cuộc thi tuần 2, tháng 1, quý 3 - Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, "nhà leo núi" Đặng Duy Khánh, lớp 11 Chuyên Toán - Tin, Trường THPT Chuyên Lào Cai đã thắng tuyệt đối 4 phần thi, giành vòng nguyệt quế Olympia.

Đỗ Ngọc Hân - Học sinh nghèo vượt khó học giỏi

Đến trường THCS thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, hỏi đến em Đỗ Ngọc Hân lớp 8A4 thì ai cũng biết, bởi các thầy cô, học sinh trong trường ai cũng khâm phục về cô học trò nghèo nhưng nghị lực, vượt khó học giỏi.