Kinh tế châu Phi vượt khó

Ngân hàng xuất nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) dự báo tăng trưởng kinh tế trung bình của tất cả các nước châu Phi dự kiến sẽ đạt 3,8% trong năm 2024, cao hơn so với mức tăng trưởng toàn cầu dự kiến là 3,2%. Bất chấp môi trường kinh tế khó khăn của năm 2023, triển vọng của châu Phi năm 2024 vẫn tích cực.

Một đoàn tàu chở hàng tại ga Bronkhorstspruit, ở Bronkhorstspruit, cách Johannesburg, Nam Phi khoảng 90km về phía đông bắc. Ảnh: REUTERS

Sự gia tăng thương mại nội khối châu Phi phản ánh khả năng phục hồi của nền kinh tế châu lục và chứng minh rằng, thị trường chung Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) giúp các nước trong khu vực giảm ảnh hưởng từ khủng hoảng trên toàn cầu.

Trong hai ấn phẩm mới nhất mang tên “Báo cáo thương mại châu Phi năm 2024” và “Báo cáo triển vọng kinh tế và thương mại châu Phi năm 2024” được ra mắt tại Hội nghị thường niên Afreximbank (AAM) 2024 ở thủ đô Nassau của Bahamas, một bản tóm tắt được công bố trên trang web của ngân hàng này dự báo, tăng trưởng của châu Phi sẽ đạt 3,8% vào năm 2024 trước khi tăng lên 4% vào năm 2025.

Hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô của châu Phi dự kiến sẽ được cải thiện vào năm 2024 và 2025, tăng trưởng được dự đoán sẽ cao hơn mức trung bình toàn cầu và lạm phát hiện đang ở mức cao có xu hướng giảm bớt trong năm 2024. Afreximbank cho biết, thương mại nội khối châu Phi đã tăng 3,2% trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023.

Tuy nhiên, những thách thức toàn cầu hiện nay làm suy yếu hiệu quả hoạt động thương mại của châu Phi, vốn giảm 6,3% hồi năm 2023 sau khi tăng trưởng 15,9% hồi năm 2022. Năm 2023, kinh tế châu Phi chịu nhiều áp lực bởi giá lương thực và năng lượng liên tục ở mức cao, nhu cầu toàn cầu yếu làm giảm hiệu suất xuất khẩu, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp, sản xuất điện cũng như các bất ổn chính trị và xung đột ở một số nước trong khu vực.

Nền kinh tế các nước châu Phi được đánh giá có khả năng phục hồi cao, mặc dù đối mặt những thách thức do biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị, lạm phát toàn cầu và nợ gia tăng. Bất chấp những “cơn gió ngược” toàn cầu đang thử thách các nền kinh tế trên toàn thế giới, châu Phi được dự đoán sẽ vẫn kiên cường. Trong đó, sự phục hồi dự kiến về mức tăng trưởng trung bình của châu Phi sẽ được dẫn dắt bởi các khu vực đông, nam và tây của châu Phi.

Trong khi đó, AfCFTA ngày càng phát huy vai trò góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp và thương mại ở châu lục, cũng như giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu bên ngoài. Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, châu Phi cần sớm chuyển đổi các nền kinh tế. Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Akinwumi Adesina cho rằng, châu Phi cần thu hẹp khoảng thiếu hụt tài chính 402,2 tỷ USD hằng năm để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu vào năm 2030. AfDB đề xuất một chương trình nghị sự táo bạo, bao gồm 5 lĩnh vực chính, nhằm cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu, giúp chuyển đổi các nền kinh tế châu Phi, tạo ra tiếng nói lớn hơn trong các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính quốc tế.

Bằng cách chuyển đổi cấu trúc tài chính toàn cầu, châu Phi có khả năng tiếp cận các nguồn lực để phát triển dựa trên các cơ hội kinh tế rộng lớn của thế giới. AfDB cũng khuyến nghị sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân để bổ sung cho đầu tư công, nhất là trong các lĩnh vực có lợi ích xã hội cao như hành động về khí hậu và phát triển nguồn nhân lực.

Châu Phi đặt mục tiêu thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng với sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). IMF gần đây đã phê duyệt các ngân hàng đa phương, chẳng hạn như AfDB cho vay thông qua Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Trong 9 năm qua, AfDB đã đầu tư hơn 50 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng châu Phi, trong đó có tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đông Phi nối Tanzania, Cộng hòa Dân chủ Congo và Burundi với vốn huy động 3,2 tỷ USD.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng đang cung cấp 500 triệu USD cho dự án phát triển Hành lang Lobito để kết nối Zambia, Angola và Cộng hòa Dân chủ Congo. Đẩy mạnh kết nối thương mại và vận tải sẽ giúp lục địa giàu tài nguyên khai thác tiềm năng phát triển.

Kinh tế châu Phi vượt khó (nhandan.vn)

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

“Thỏi nam châm” BRICS

Thêm nhiều quốc gia như Azerbaijan, Malaysia, Thái Lan… mới đây nộp đơn xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Vị thế và sức hút ngày càng gia tăng của nhóm này đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của dư luận, nhất là đối với các nước Nam bán cầu, trong bối cảnh Hội nghị thượng...

Bước tiến mới trong chẩn đoán ung thư não

Các nhà khoa học vừa tìm ra phương pháp mới để phát hiện ung thư não nhanh, chính xác và ít tốn kém hơn so với phương pháp thông thường.

Ngành du lịch có thể đóng góp kỷ lục 11.100 tỷ USD vào GDP toàn cầu

Ngành du lịch dự kiến hỗ trợ gần 348 triệu việc làm trong năm 2024; trong khi chi tiêu cho du lịch tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Đức dự kiến sẽ đóng góp nhiều nhất cho GDP.

Cơ hội nâng cao vị thế của các quốc đảo Thái Bình Dương

Các quốc đảo Thái Bình Dương đang đối mặt nhiều thách thức, song cũng sở hữu tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ vị trí địa chính trị quan trọng, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.

Mỹ Latin “kẹt” trong bẫy tăng trưởng thấp

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) mới đây nhận định, nền kinh tế khu vực này vẫn “mắc kẹt” trong bẫy tăng trưởng thấp và sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 1,8% trong năm nay. Cơ hội việc làm kém và biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến mức dự báo thấp này.

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe vì đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ đã lan rộng khắp Cộng hòa Dân chủ Congo trước khi lây lan sang các quốc gia khác. Cộng hòa Dân chủ Congo chính là nơi đầu tiên loại virus này được phát hiện ở người vào năm 1970.