Phát triển văn hóa, con người mang bản sắc Lào Cai

Nhận thức được vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của tỉnh, với quan điểm tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa Đề cương văn hoá Việt Nam; tư tưởng Hồ Chí Minh và các đường lối, quan điểm của Đảng về văn hóa, tỉnh Lào Cai đã có nhiều cách làm sáng tạo và đạt được nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai, từng bước hiện thực hóa khát vọng đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

Các nhiệm kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đều ban hành các Đề án, Nghị quyết về phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để tập trung chỉ đạo. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra nhiệm vụ giai đoạn 2015-2020: "Phát triển con người Lào Cai toàn diện, giàu bản sắc văn hóa từng dân tộc; nâng cao trí tuệ, năng lực sáng tạo, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật". Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã ban hành Chương trình số 201-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phát triển con người Lào Cai toàn diện, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tích cực triển khai các nội dung, giải pháp giáo dục, phát huy sức mạnh của toàn dân xây dựng con người trong thời kỳ mới phát triển toàn diện, hình thành nên sắc thái người Lào Cai, vừa mang đặc trưng văn hóa Việt Nam vừa thấm đậm nét riêng của Lào Cai, đó là: Đoàn kết, yêu quê hương đất nước và khát vọng vươn lên. Đây là truyền thống tốt đẹp của Lào Cai ngày càng được bồi đắp và phát huy.

Trong mười năm trở lại đây, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được triển khai gắn liền với việc cụ thể hóa và thực hiện các chính sách lớn của tỉnh Lào Cai. Trong xây dựng gia đình văn hóa, tỉnh Lào Cai chú trọng giải quyết những vấn đề nổi cộm và cấp bách về xây dựng gia đình ở vùng cao như hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, phụ nữ đi khỏi địa phương, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Năm 2022, toàn tỉnh có 88% gia đình đạt chuẩn văn hóa; 90,5% làng, bản, thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 95,7% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xây dựng được 1.444/1.575 bản hương ước - quy ước thôn, bản, tổ dân phố; tỷ lệ người tập thể thao thường xuyên đạt  36,5%.

Gắn triển khai hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa với triển khai các phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố, tỉnh Lào Cai triển khai xây dựng các câu lạc bộ tuyên truyền, mô hình mẫu, hương ước, quy ước; lập ra các hội đồng người có uy tín trong cộng đồng,... để tuyên truyền triển khai thực hiện. Nhiều mô hình làng văn hoá đặc thù được xây dựng như mô hình làng văn hoá du lịch ở Bắc Hà, Sa Pa; làng văn hoá vùng đặc biệt khó khăn ở Bát Xát, Bảo Yên; làng văn hoá sức khoẻ ở Si Ma Cai, Mường Khương… đã có tác động tích cực tới phát triển đời sống văn hoá, kinh tế - xã hội Nhân dân vùng nông thôn. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh được Nhân dân đồng lòng hưởng ứng và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, đời sống kinh tế- xã hội của người dân có nhiều chuyển biến, nếp sống văn hoá trở thành thói quen trong sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Nhiều lễ hội, trò chơi dân gian đã phát huy hiệu quả, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. 

Hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi với nhiều ấn phẩm, tác phẩm đăng tải trên các báo, tạp chí, chương trình phát thanh - truyền hình. Năm 2022, cố Nghệ sĩ nhân dân Lương Kim Vĩnh của Lào Cai đã vinh dự được Chủ tịch nước quyết định truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao, phản ánh vẻ đẹp của con người, vùng đất Lào Cai đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, định hướng các giá trị chân, thiện, mỹ, khơi dậy niềm tự hào, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vượt khó vươn lên, xây dựng văn hóa, con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá các dân tộc được thực hiện sáng tạo, đưa di sản trở thành “sức mạnh mềm” góp phần tạo nguồn lực cho du lịch Lào Cai phục hồi sau dịch bệnh Covid 19. Vận dụng nguyên tắc "Dân tộc hóa", "Đại chúng hóa" trong Đề cương văn hóa Việt Nam, tỉnh Lào Cai nhất quán thực hiện quan điểm: Gắn bảo tồn với phát triển con người Lào Cai nhưng không đánh mất bản sắc, gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, thực hiện quan điểm bảo tồn tại chỗ trong cộng đồng và lấy người dân làm chủ thể. Hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 25 nhóm ngành dân tộc. Nhiều di tích, danh thắng đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, có giá trị của địa phương, tạo thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng xây dựng không gian di sản văn hoá, dựa trên lợi thế khai thác thế mạnh di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh để xây dựng thành các điểm đến du lịch độc đáo, đặc sắc của địa phương.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 39 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 22 di tích danh thắng cấp Quốc gia, 32 di tích danh thắng cấp tỉnh. Nhiều di tích, danh thắng, lễ hội dân gian đã phát huy hiệu quả trở thành sản phẩm du lịch tâm linh nổi tiếng, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Công tác bảo tồn phục dựng lại nguyên bản các lễ hội đặc sắc, mang tính đại diện, tiêu biểu của cộng đồng được chú trọng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân và du khánh. Đến nay, đã có gần 20 lễ hội đặc sắc của 13 dân tộc, tiêu biểu như: Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, La Chí, Hà Nhì… được khôi phục, bảo tồn … Nhiều lễ hội tiêu biểu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Một số lễ hội có quy mô vùng, quốc gia như lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Mường Khương, lễ hội đền Thượng, lễ hội đền Bảo Hà, đền Cô Tân An thu hút hàng vạn lượt khách tham dự.

Hoạt động ngoại giao văn hóa được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú.

Hoạt động ngoại giao văn hóa được triển khai với nhiều hình thức phong phú, nổi bật như phối hợp tổ chức giải đua xe đạp quốc tế “Một đường đua hai quốc gia”, “Giải Marathon vượt núi Việt Nam”, Giao lưu “Ánh trăng Hồng Hà”, Liên hoan nhân dân biên giới Việt Nam – Trung Quốc,... góp phần gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, đồng thời khẳng định sự chủ động hội nhập, xây dựng văn hóa dân tộc bằng sức mạnh, bản lĩnh, cốt cách của văn hóa, con người Lào Cai.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, phát triển văn hoá của Lào Cai còn một số hạn chế: Việc phát triển công nghiệp văn hoá và thực hiện chuyển đổi số kết quả chưa rõ nét; hoạt động giáo dục, khôi phục, khai thác các giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống của địa phương hiệu quả chưa cao. Một số chính sách đặc thù đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật còn thiếu. Là tỉnh biên giới, trung tâm kết nối giao thương trên tuyến hành lang kinh tế với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), là trọng điểm du lịch của cả nước nhưng kết cấu hạ tầng và các nguồn lực văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhất là phục vụ nhu cầu đối ngoại văn hóa,...

Trên quan điểm “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực và sức mạnh nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Lào Cai”, thời gian tới, tới tỉnh Lào Cai xác định tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát huy giá trị tốt đẹp trong văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương. Chú trọng triển khai các chương trình bảo tồn, phục dựng lễ hội dân gian truyền thống; kế hoạch khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản đại diện của nhân loại... Tập trung nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực hoạt động văn hóa; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển văn hóa, con người phù hợp, tương xứng với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn”. Đây cũng là quan điểm và định hướng của Đảng bộ tỉnh Lào Cai đối với vấn đề phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Với sự nỗ lực đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc, chúng ta tin tưởng giá trị văn hóa, tinh thần đổi mới, sáng tạo của người Lào Cai sẽ luôn là nguồn sức mạnh nội sinh, nguồn động lực quan trọng cho Lào Cai phát triển./.

 

Trần Xuân Huệ

Tin Liên Quan

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn

Ngón huyền trên cung đàn tính ở thôn Phẻo

Từ lâu, thôn Phẻo, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng vẫn duy trì và phát triển đội văn nghệ quần chúng gồm hơn 20 thành viên, chủ yếu là phụ nữ và tất cả đều là đồng bào Tày. Những lúc nông nhàn, ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ hay buổi tối, chị em lại tề tựu về nhà văn hóa thôn tập và trao truyền cho nhau...