Khám phá sắc màu văn hóa Bảo Yên

Từ lâu, Bảo Yên được biết đến là vùng đất cổ hội tụ nhiều tiềm năng văn hóa - du lịch, là một điểm đến, một điểm dừng chân lí tưởng cho du khách mỗi khi đến Lào Cai.

 

Đền Bảo Hà - Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia thu hút đông đảo du khách và Nhân dân đến tham quan, chiêm bái.

Bảo Yên vốn là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa với 11 di tích đã được các cấp xếp hạng, trong đó có 3 di tích cấp Quốc gia, 8 di tích, danh thắng cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và 2 điểm du lịch. Cùng với Di tích quốc gia đền Bảo Hà - nơi thờ Thần vệ quốc Hoàng Bảy, Bảo Yên còn có các di tích được tỉnh, quốc gia xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, tiêu biểu như đền Phúc Khánh thờ chúa Bầu, Khu di tích thành cổ Nghị Lang, Đền Cô Tân An, đồn Phố Ràng (thị trấn Phố Ràng), đồn Nghĩa Ðô (xã Nghĩa Ðô)... Ngoài ra, những địa điểm du lịch sinh thái vừa hoang sơ vừa lý thú như thác Xa (Tân Tiến), những nếp nhà sàn cổ trăm tuổi và cọn nước (Nghĩa Ðô), núi Ðại Thần (Xuân Hòa) cũng đặc biệt thu hút khách du lịch. Một điểm du lịch tâm linh cũng rất nổi tiếng của huyện Bảo Yên đó Đền Phúc Khánh nằm trong quần thể Thành cổ Nghị Lang, là nơi thờ các vị chúa Bầu, Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật, đã có công phò giúp vua Lê ổn định triều Trần thế kỷ XVI-XVII xây dựng căn cứ chống lại nhà Mạc. Ngôi đền tọa lạc trên đỉnh đồi Tấp, tại trung tâm thị trấn Phố Ràng, cách Đền Bảo Hà 24km theo Quốc lộ 279.

Nói đến Bảo Yên, không thể chỉ kể đến mảnh đất đã nổi tiếng qua “Trận Phố Ràng” của Trần Đăng năm xưa. Di tích đồn Phố Ràng đã tạc vào lịch sử chiến công vang dội của tiểu đoàn Phủ Thông (tiểu đoàn 11) bộ đội chủ lực ta phá vỡ một mắt xích quan trọng trong phòng tuyến Nghĩa Lộ - Bảo Hà – Phố Ràng – Nghĩa Đô – Yên Bình của thực dân Pháp uy hiếp khu căn cứ địa Việt Bắc của ta. Chiến thắng Phố Ràng còn giáo dục mãi truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau. Bên cạnh đó, Bảo Yên còn là cái nôi văn hóa của các cư dân sinh sống lâu đời, là nơi bản sắc văn hóa của các dân tộc Bảo Yên được giữ gìn, lưu truyền, đan xen hòa quyện. Đó là hội Đình của người Tày; hội Cốm vào rằm tháng Tám; lễ cấp sắc của người Dao Tuyển với những nghi lễ mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian, là làng cổ người Tày Nghĩa Đô với những sinh hoạt văn hóa còn giữ nguyên bản sắc; là kho tàng văn hóa Dao vô cùng đặc sắc và phong phú với hàng trăm cuốn sách cổ còn lưu giữ được, khẳng định nền văn hóa độc đáo và phát triển của người Dao…

Bảo Yên đang khoác trên mình một diện mạo mới, đầy đủ và khang trang hơn.

Nằm trong tiến trình hội nhập cộng với các chính sách đầu tư khuyến khích của Nhà nước nên huyện Bảo Yên đã có những bước tiến mới trong phát triển kinh tế - xã hội, sự chuyển mình của huyện những năm gần đây đã mang lại một diện mạo mới, đầy đủ và khang trang hơn. Thị trấn Phố Ràng nằm trên giao điểm giữa quốc lộ 70 và quốc lộ 279 là tiền đề quan trọng để phát triển thành đô thị loại 4 - một trong những thị xã của tỉnh Lào Cai trong tương lai.

Trên cơ sở xác định tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh Lào Cai đang chỉ đạo triển khai một số đề án, dự án liên quan để khai thác hiệu quả các di sản văn hoá của Bảo Yên cụ thể như sau: Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống đặc sắc nghề làm tranh thờ của dân tộc Dao (ngành Dao Đỏ) ở Bảo Yên gắn với phát triển sản phẩm du lịch; Xây dựng 3 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm Ẩm thực người Tày, Đan lát và nghi lễ then của người Tày xã Nghĩa Đô huyện Bảo Yên; Bảo tồn Hát dân ca người Dao Tuyển tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; Dự án “Bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Tày, thôn Nặm Cằm, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai gắn với phát triển du lịch”.

Trong định hướng và quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh, huyện Bảo Yên được xác định là Vùng III - Trung tâm Du lịch phía Nam của tỉnh gồm (Văn Bàn - Bảo Yên - Bảo Thắng) với các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo là: Du lịch tâm linh, du lịch văn hoá và du lịch cộng đồng. Hiện, Bảo Yên đang tập trung nguồn lực quy hoạch, xây dựng khu đô thị Bảo Hà trở thành đô thị cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng để phát triển du lịch văn hóa tâm linh, xây dựng Bảo Hà trở thành trung tâm văn hóa du lịch tâm linh của khu vực Tây Bắc và cả nước. Đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, trải nghiệm... gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Bảo Yên. Lấy xã Nghĩa Đô làm trung tâm, xây dựng Nghĩa Đô trở thành trung tâm bảo tồn văn hóa dân tộc Tày vùng sông Chảy. Phấn đấu đến năm 2025, tổng lượng khách du lịch đến Bảo Yên đạt 2,5 triệu lượt người; doanh thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng./.

Minh Phượng

Tin Liên Quan

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.