Những bước chuyển tích cực từ thu hút đầu tư nước ngoài

Trong giai đoạn 2006 đến nay, số lượng dự án đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ bằng 81,2% của giai đoạn 1996 - 2005, song tổng vốn đầu tư cam kết gấp 10,5 lần, mức đầu tư bình quân dự án gấp 12,9 lần. Công tác thu hút FDI của Lào Cai đạt được kết quả khả quan, tích cực, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh.

Năm 1996, tỉnh Lào Cai có dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên. Đến nay, Lào Cai đã có 58 dự án FDI được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 562,2 triệu USD. Các dự án FDI chủ yếu tập trung khai thác những lĩnh vực thế mạnh của tỉnh về khoáng sản, thủy điện… Trong đó một số dự án có tính trọng điểm, nguồn vốn đầu tư lớn như: Dự án Khai thác mỏ sắt Quý Sa và xây dựng nhà máy gang thép Việt - Trung; Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Séo Chung Hô,…

Doanh thu và đóng góp vào ngân sách nhà nước từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng cao (giai đoạn 2006 đến nay doanh thu gấp 2,92 lần, nộp ngân sách nhà nước gấp 2,3 lần giai đoạn 2001 - 2005). Số lượng lao động trong các doanh nghiệp FDI tăng mạnh qua các năm: Năm 2012 là 1.897 lao động, năm 2013 với trên 2000 lao động, trong đó tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp FDI lớn, hoạt động hiệu quả như: Công ty Khách sạn Victoria Sa Pa; Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung,... Thu nhập bình quân của lao động trong khu vực FDI tại Lào Cai tăng mạnh qua các năm, năm 2012 đạt 4,16 triệu đồng/người/tháng - mức thu nhập bình quân tương đối cao so với các doanh nghiệp trong nước.
 

 Khách sạn Victoria – Dự án FDI đầu tiên của tỉnh
 
Ngoài nguồn FDI, Lào Cai còn thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và Tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO). Đến thời điểm này đã có 25 chương trình, dự án NGOs với tổng số vốn 62,4 tỷ đồng; 13 chương trình, dự án ODA đang triển khai thực hiện với tổng vốn giải ngân theo kế hoạch năm 2013 là 1069 tỷ đồng. Các dòng vốn này ngày càng có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thể hiện trong việc phân bổ vốn ở các lĩnh vực thiết yếu như: Dự án Giảm nghèo (WB) giai đoạn I, dự án lưới điện nông thôn, dự án ngành cơ sở hạ tầng nông thôn…
 
Ông Đặng Xuân Phong – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để tăng cường thu hút đầu tư, Lào Cai đã chủ động đề xuất kết nghĩa, liên kết với địa phương trong và ngoài nước như vùng Aquiten (Pháp), tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Yên Bái, Lai Châu, các tỉnh trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng,… nhằm tạo thuận lợi cho quá trình mở rộng giao thương, hợp tác phát triển kinh tế và thu hút các nguồn vốn đầu tư của tỉnh.
 
Bên cạnh đó, Lào Cai luôn quan tâm thúc đẩy và cải thiện môi trường đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Lào Cai liên tục được nâng cao qua các năm. Trong 5 năm trở lại đây, PCI Lào Cai đều nằm trong nhóm tốt và rất tốt. Năm 2008, Lào Cai đứng thứ 8 cả nước về chỉ số xếp hạng PCI, năm 2010 đứng vị trí thứ 2, đặc biệt năm 2011 Lào Cai đứng vị trí quán quân. Sự tiến bộ nhanh chóng này giúp Lào Cai “ghi điểm” đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho tỉnh hướng đến việc mở rộng đối ngoại và hội nhập cùng cả nước.
 
Để đảm bảo những mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới và khơi thông cho hoạt động kinh tế đối ngoại, bên cạnh việc phát huy nội lực, Lào Cai đang tích cực chủ động thực hiện liên kết hợp tác nhằm tận dụng sự hỗ trợ từ bên ngoài.
 
Những giải pháp đang được tỉnh đẩy mạnh thực hiện như: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng thế mạnh của tỉnh trong công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, hàng nông nghiệp, du lịch; thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng các nguồn vốn FDI; tiếp tục phát triển các ngành có thế mạnh, nâng cao sức cạnh tranh; tăng cường phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là kiến thức pháp lý quốc tế. Đồng thời, đảm bảo thực hiện tốt các vấn đề về bảo vệ môi trường để phát triển bền vững; hoàn thiện bộ máy quản lý, phối hợp, liên kết liên vùng, liên ngành; đánh giá khách quan và thực chất hiệu quả hoạt động của các nguồn vốn đầu tư từ FDI, ODA, NGO.
 
Thực hiện tốt các giải pháp đề ra sẽ góp phần tăng thu hút đầu tư nguồn vốn từ bên ngoài, khơi nguồn cho hoạt động kinh tế đối ngoại phát triển./.

Lâm Tú

Tin Liên Quan

UBND tỉnh Lào Cai và VCCI hợp tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Chiều 28/3, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Lào Cai và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) giai đoạn 2024 - 2029.

Nhìn lại chỉ số PCI Lào Cai 2022

Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022, Lào Cai đạt 68,2 điểm, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất (xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 14 bậc so với năm 2021).

Phấn đấu đưa PCI tỉnh Lào Cai trong tốp 10 cả nước

Đó là mục tiêu mà tỉnh Lào Cai đặt ra trong Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trưòng kinh doanh gắn với cải thiện chỉ số PCI, DDCI năm 2023 và quý I/2024.

CPI tháng 4 của Lào Cai giảm 0,59%

Giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào và giá thép xây dựng, gas, các loại chất đốt khác giảm là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 giảm.

Tăng 43 bậc, Lào Cai xếp thứ 9 toàn quốc về Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS)

Sáng 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Phiên họp thứ tư trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi...

Lào Cai xếp thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Sáng 27/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) công bố báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021.