Nét đẹp lời chúc đầu năm

Những lời chúc mừng năm mới là nét đẹp văn hóa của người Việt từ bao đời nay, có ý nghĩa lớn về mặt tinh thần trong những ngày đầu xuân.

Tết đến, xuân về là lúc các thành viên trong gia đình quây quần, sum họp, trao cho nhau nụ cười và những lời chúc tốt đẹp, mừng tuổi để bày tỏ tình thương yêu dành cho nhau. Không chỉ người thân trong gia đình, mà ai khi gặp nhau vào những ngày đầu năm mới đều chúc nhau những lời chân thành, ý nghĩa.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Hòa ở phường Kim Tân (thành phố Lào Cai), người Việt xưa có câu: “Mồng 1 tết cha, mồng 2 tết mẹ, mồng 3 tết thầy”, với ý nghĩa: Mồng 1 là ngày đầu tiên của năm mới, mọi người thường hướng về tiên tổ, nội tộc, thành kính dâng hương ban thờ tổ, chúc tết ông bà, bố mẹ, các thành viên trong gia đình bên nội. Mồng 2 là ngày vợ chồng, con cái về bên ngoại chúc tết. Mồng 3 dành chúc tết người đã dạy dỗ mình, cho mình kiến thức, trí tuệ để tìm kiếm thành công, vinh quang. Đây đều là những người quan trọng đối với cuộc sống và sự nghiệp nên mọi người luôn ghi nhớ công ơn, tri ân, thường chúc tết trong những ngày đầu năm mới.

Đầu năm mới là dịp mọi người được gặp gỡ, sum vầy và dành cho nhau những lời chúc ý nghĩa.

Ngày nay, chúc tết không chỉ diễn ra trong vài ngày, mà có thể kéo dài nhiều ngày sau Tết, thậm chí hết tháng Giêng, miễn là người chúc và người nhận có cơ hội gặp mặt và dành cho nhau những tình cảm chân thành, mong ước cho nhau những điều tốt đẹp trong năm mới.

Năm nay, anh Trần Ngọc Hải, 24 tuổi ở đường Điện Biên, phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) được về nhà đón Tết với gia đình sau 1 năm phải xa nhà vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm trước, anh chỉ có thể gọi điện chúc tết ông bà, bố mẹ và các anh, chị, em trong gia đình, nhưng năm nay được trực tiếp chúc tết mọi người.

Anh Hải tâm sự: Không gì tuyệt vời hơn là được đón Tết cùng gia đình, bên những người thân yêu và dành cho mọi người những lời chúc tốt đẹp nhất. Ông bà nội, ngoại đều đã cao tuổi nên tôi mong những lời chúc bình an, mạnh khỏe vào dịp đầu năm mới, đó giống như “lá bùa hộ mệnh” đem đến may mắn cho ông, bà trong cả năm.

Việc tổ chức đoàn đi chúc tết các gia đình trong tổ dân phố dịp đầu Xuân đã thành thông lệ đối với gia đình ông Vũ Văn Uy và các gia đình cận kề ở tổ 21, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai). Sau khi thống nhất được ngày, giờ, các gia đình cử người đại diện hoặc cả gia đình cùng tham gia đoàn đi chúc tết từng nhà.

Ông Uy cho hay: Việc các gia đình trong tổ dân phố đi chúc tết từng nhà đã duy trì gần chục năm nay. Vì trong năm ai cũng bận công việc, ít có thời gian thăm, động viên nhau nên dịp năm mới là lúc các gia đình rảnh rỗi, có thể tới nhà nhau uống chén rượu mừng, chén trà và chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng. Điều này khiến ai nấy đều vui vẻ, hào hứng, đồng thời tăng tình đoàn kết giữa các gia đình trong tổ dân phố.

Tết là khởi đầu của một năm mới nên những lời chúc đầu năm được kỳ vọng sẽ linh nghiệm.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Hòa khẳng định: Chúc tết là phong tục đặc sắc của người Việt, thể hiện mong muốn gửi những điều tốt đẹp đến với người thân, bạn bè, thậm chí là người mới quen. Không có dịp nào chúc nhau mà ý nghĩa bằng đầu năm, vì đây là khởi đầu của mùa xuân, của một năm mới.

Bà Hòa cũng cho rằng, khi chúc nhau, mọi người phải thực sự chân thành, dành những lời chúc từ trong tâm thì người được chúc mới cảm nhận được tình cảm đó.

Tục chúc tết đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Dù xã hội ngày càng phát triển, nhưng những giá trị tốt đẹp này vẫn được người dân duy trì trong cuộc sống hiện đại, theo dòng chảy thời gian.

https://baolaocai.vn/bai-viet/364325-net-dep-loi-chuc-dau-nam

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.