Mường Khương bảo tồn bản sắc văn hóa

Những năm qua, huyện Mường Khương luôn quan tâm công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

Dân vận khéo bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Tuần nào cũng vậy, cứ đến thứ 7 hoặc Chủ nhật là nhà văn hóa thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình (Mường Khương) lại đông vui bởi có các cô, các chị và thanh thiếu niên người Bố Y đến đây tập văn nghệ. Nhiều năm qua, Nghệ nhân Ưu tú Lồ Sài Sửu dù bận nhiều công việc gia đình nhưng vẫn tình nguyện truyền dạy hàng chục tiết mục dân ca, dân vũ của dân tộc Bố Y cho mọi người. Nhìn bà Sửu miệng hát, tay múa, rồi nắn chỉnh từng động tác múa cho học sinh mới thấy tâm huyết của bà trong việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân Lồ Sài Sửu, xã Thanh Bình dạy thế hệ trẻ các điệu múa của dân tộc Bố Y.

Nghệ nhân Lồ Sài Sửu tâm sự: Dựa trên làn điệu dân ca cổ của dân tộc Bố Y, tôi đã sáng tác nhiều bài hát mới để dạy cho đội văn nghệ của thôn, như hát vào nhà mới, hát đi làm nương, bài hát đoàn kết, ngày hội phụ nữ… Ngoài ra, từ những điệu múa cổ như múa tạ ơn trâu, múa mừng ông trăng, tôi sáng tác nhiều điệu múa khác để dạy kèm bài hát như múa mừng Đảng, Bác Hồ chiếu sáng bốn phương, người Bố Y là một vườn hoa…

Em Sần Thị Ngọc, lớp 8A, Trường PTDT bán trú THCS Thanh Bình cho biết: 3 năm qua em được nghệ nhân Lồ Sài Sửu dạy nhiều bài hát, điệu múa. Em rất tự hào về dân tộc mình.

Những ngày cuối năm 2022, từ xã Thanh Bình ngược dốc qua thị trấn Mường Khương, chúng tôi đến thôn Văng Leng, xã Tung Chung Phố. Bầu không khí trong thôn những ngày gần tết thêm rộn ràng, đặc biệt là rất đông bà con người Nùng Dín đến sân nhà văn hóa thôn xem nghệ nhân Lù Phìn Hòa dạy múa ngựa giấy và học làm ngựa giấy. Những bước chân khi uyển chuyển, mềm mại, khi thoăn thoắt kết hợp cùng hai tay điều khiển đầu ngựa giấy và rung lắc chuông tạo nên âm thanh độc đáo. Xem nghệ nhân Lù Phìn Hòa múa ngựa giấy, người xem không khỏi trầm trồ, thán phục.

Nghệ nhân Lù Phìn Hòa chia sẻ: Múa ngựa giấy từ điệu múa cổ của dân tộc Nùng Dín hiện đã được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tôi rất vui vì những năm qua đã dạy cho nhiều học sinh cũng như bà con trong thôn biết múa ngựa giấy. Dạy bà con biết múa ngựa giấy không khó, nhưng để múa hay, múa giỏi cần có nhiều thời gian luyện tập, đặc biệt là phải có tình yêu, niềm đam mê với nghệ thuật này.

Không để mai một các di sản văn hóa

Không chỉ ở thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình hoặc thôn Văng Leng, xã Tung Chung Phố, việc gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Mường Khương được các cấp, ngành địa phương quan tâm. Trong khi các nghệ nhân với tình yêu văn hóa dân tộc không quản vất vả, miệt mài truyền dạy cho thế hệ sau, cấp ủy đảng, chính quyền các xã cũng tích cực vào cuộc, tạo điều kiện cho các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Phùng Huy Tường, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết: Trên địa bàn xã có 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Tết Sử giề pà (Lễ tạ ơn trâu) và Nghệ thuật trang trí trên trang phục người Bố Y; có 2 Nghệ nhân Ưu tú là bà Lồ Lài Sửu, dân tộc Bố Y và ông Tẩn Khái Cường, dân tộc Dao. Cấp ủy đảng, chính quyền xã thường xuyên quan tâm, động viên, tuyên truyền để các nghệ nhân tích cực bảo tồn bản sắc văn hóa.

Lớp dạy làm ngựa giấy và múa ngựa giấy tại thôn Văng Leng, xã Tung Chung Phố.

Trao đổi với chúng tôi về việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, nhất là các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện, ông Phạm Xuân Thái, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Khương cho biết: Huyện Mường Khương hiện có 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Trống trong nghi lễ người Mông; lễ cúng rừng (cấm bang) của dân tộc Thu Lao; nghệ thuật trang trí trên trang phục người Bố Y; nghệ thuật trang trí trên trang phục người Nùng Dín; nghệ thuật tranh cắt giấy (Chàng Slaw) của người Nùng; Tết Sử giề pà (Lễ tạ ơn trâu) của dân tộc Bố Y; Lễ hội Gầu tào của người Mông xã Pha Long. Cùng với đó, huyện có 1 Nghệ nhân Nhân dân và 5 Nghệ nhân Ưu tú thuộc các dân tộc: Nùng, Bố Y, Mông, Dao.

Những năm qua, xác định việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, gìn giữ các di sản văn hóa phi vật thể có vai trò rất quan trọng, ngành văn hóa huyện đã chú trọng phát hiện, lập hồ sơ đề nghị công nhận Nghệ nhân Ưu tú; tổ chức lớp truyền dạy kỹ thuật trồng bông, trồng lanh, dệt vải, thêu, ghép hoa văn trên trang phục các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mông, Dao trên địa bàn các xã: Thanh Bình, La Pan Tẩn, Nấm Lư, Pha Long, Tả Gia Khâu và thị trấn Mường Khương; xây dựng các thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, bảo tồn bản sắc các dân tộc ở các thôn, bản.

Cũng theo ông Thái, khó khăn trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của huyện Mường Khương là hạn chế về kinh phí tổ chức các hoạt động; một số nghệ nhân đã cao tuổi, trong khi giới trẻ không có nhiều người dành thời gian cho hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống. Năm 2022, nhờ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện được đầu tư kinh phí mở 2 lớp dạy múa ngựa giấy và làm ngựa giấy của người Nùng Dín tại xã Tung Chung Phố; tại xã Nấm Lư mở lớp bảo tồn dân ca dân tộc Nùng Dín; tại xã Thanh Bình mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ dân tộc Bố Y.

Huyện Mường Khương mong trong thời gian tới tiếp tục được Đảng, Nhà nước và tỉnh quan tâm để có thêm những chương trình, dự án bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung, gìn giữ các di sản văn hóa phi vật thể nói riêng gắn với phát triển du lịch.

https://baolaocai.vn/bai-viet/363546-muong-khuong-bao-ton-ban-sac-van-hoa

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.