Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc Lào Cai
Việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nhóm các dân tộc thiểu số dưới 3.000 người đối với nhóm dân tộc Pa Dí, Bố Y, La Chí cũng được đẩy mạnh. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã tiến hành sưu tầm được hơn 300 hiện vật, chủ yếu là trang phục và các công cụ của dân tộc Bố Y, Hà Nhì, La Chí, đạt 75% mục tiêu đề án.
Lễ hội cấp sắc của người Dao. (Ảnh: Ngọc Bằng)
Từ năm 2011 – 2013, tỉnh đã duy trì, bảo tồn 6 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc Lào Cai và lập 10 hồ sơ khoa học đề nghị Trung ương công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tính đến tháng 11/2013, có 7 di sản văn hóa phi vật thể của Lào Cai đã được công nhận gồm: Lễ hội Gầu tào của người Mông, nghi lễ cấp sắc của người Dao, nghi lễ Then của người Tày, lễ hội Roóng poọc của người Giáy, lễ Pút tồng của người Dao đỏ, nghề chạm khắc bạc của người Mông và nghệ thuật tranh cắt giấy của người Nùng Dín.
Công tác lập quy hoạch tổng thể di tích, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai tích cực. Hiện 3 di tích lịch sử văn hóa đã được trùng tu, tôn tạo là: Đền Trung Đô (Bắc Hà), Đền Bảo Hà (Bảo Yên), Khu chạm khắc đá cổ Sa Pa và di tích Đền Chiềng Ken (Văn Bàn), đạt 75% mục tiêu đề án. Trong năm 2013, tỉnh tiến hành lập 4 hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia với Đền Đôi cô (Văn Bàn), ruộng bậc thang Sa Pa, di tích Đồn Phố Lu (Bảo Thắng), Động Thiên Long (Bắc Hà) và đang triển khai lập hồ sơ đề nghị công nhận công viên địa chất toàn cầu đối với Vườn Quốc gia Hoàng Liên; đạt 100% mục tiêu đề án.
Nhờ thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đề án đã góp phần tích cực chuyển biến nhận thức của người dân về giá trị văn hóa dân tộc, nhiều di sản văn hóa truyền thống có giá trị được gìn giữ, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Lào Cai./.