Hội nghị FAEA-45: Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch COVID-19

Sáng 25/11, Hội nghị thường niên lần thứ 45 của Liên đoàn các Hội Khoa học Kinh tế ASEAN (FAEA-45) chính thức khai mạc với chủ đề "Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế có những biến động lớn".
Hội nghị thường niên lần thứ 45 Liên đoàn các Hội Khoa học Kinh tế ASEAN - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết,  FAEA-45 (được tổ chức sau hai năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 bùng phát) là dịp để đông đảo các nhà kinh tế của các nước ASEAN trực tiếp gặp gỡ, cùng nhau thảo luận, đánh giá tiến trình phục hồi và triển vọng của các nền kinh tế trong khu vực sau đại dịch, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, những tình huống đảo chiều, đột biến và rủi ro khó lường.

Theo các dự báo, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn có thể giảm mạnh và kinh tế thế giới sẽ rất khó khăn trong năm 2023, tác động mạnh đến các nền kinh tế ASEAN vốn vẫn bị lệ thuộc nhiều vào nền kinh tế bên ngoài. Phục hồi và phát triển kinh tế đã trở thành tâm điểm tại hội nghị các cấp của ASEAN và là chủ đề quan trọng của các cuộc trao đổi, thảo luận giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác liên tục trong những tháng qua. Các nước đều nhận thức sâu sắc về yêu cầu phải phối hợp hành động, từ các giải pháp của mỗi quốc gia cho đến các giải pháp khu vực và quốc tế; từ phối hợp trong những lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường cho đến giải quyết các điểm nóng của khu vực và các xung đột, mâu thuẫn, cạnh tranh địa chính trị trên toàn cầu.

Vì vậy, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, với vị thế là những người đi tiên phong trong đổi mới tư duy kinh tế, các nhà kinh tế học cần tích cực đóng góp trí tuệ, khởi thảo ý tưởng, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển mới, có tính đột phá, sáng tạo, với phương châm: Tư duy toàn cầu, tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương, trách nhiệm của từng cá nhân và cộng đồng.

Hội nghị thường niên lần thứ 45 Liên đoàn các Hội Khoa học Kinh tế ASEAN - Ảnh 2.

Hội nghị diễn ra từ ngày 25 – 26/11 

GS. Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (VEA) chia sẻ, sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995, VEA đã tham gia FAEA và được giao chủ trì hội nghị FAEA các năm 2002, 2008 và 2015. 

Năm 2022, các Hội Khoa học Kinh tế thuộc FAEA đã đồng thuận chọn Việt Nam là nước chủ trì Hội nghị FAEA-45, với chủ đề: Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế có những biến động lớn. Trước những tác động mạnh mẽ và bất ngờ của đại dịch COVID-19 và bối cảnh quốc tế mới đầy thách thức, vấn đề này được đưa ra có tính thời sự nóng hổi.

Tại Hội nghị, các thành viên trong FAEA đã cùng bàn luận, đóng góp ý kiến và đề xuất phương án phục hồi, xây dựng và phát triển nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Các ý kiến vừa mang tính thời sự, cấp thiết, vừa có tầm nhìn tổng thể và dài hạn về kinh tế khu vực. Qua đó góp phần cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của các nước ASEAN những luận cứ khoa học hữu ích, cả về lý thuyết và thực tiễn, để ứng phó với những thay đổi ở cấp khu vực, toàn cầu và trong mỗi quốc gia.

Hội nghị diễn ra từ ngày 25 – 26/11, tại Hà Nội, bao gồm 7 phiên họp, với các nội dung chính: Khôi phục và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID- 19; tình hình an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp; mục tiêu phát triển bền vững, phát triển con người dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19; an ninh và chuyển đổi cơ cấu năng lượng, giao thông vận tải và hậu cần, du lịch; tài chính, tiền tệ, lạm phát, chứng khoán; tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp; hợp tác kinh tế và hội nhập quốc tế của ASEAN trong bối cảnh toàn cầu mới.

https://baochinhphu.vn/hoi-nghi-faea-45-phuc-hoi-va-tang-truong-kinh-te-o-cac-nuoc-asean-sau-dai-dich-covid-19-10222112513150914.htm

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lễ khởi động Năm giao lưu nhân dân ASEAN-Trung Quốc 2024

Lễ khởi động là một trong những hoạt động trọng điểm triển khai quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 26 (Jakarta, tháng 9/2023) nhằm đẩy mạnh giao lưu nhân dân, làm sâu sắc giao lưu văn hóa và thắt chặt tình hữu nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Thủ tướng truyền tải thông điệp quan trọng về 'Bài học từ ASEAN' tại WEF Davos

Chiều 17/1 (giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu với tư cách diễn giả chính tại phiên thảo luận "Bài học từ ASEAN" trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos năm 2024.

Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á

Ngày 30/12/2023, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á.

Lào sẵn sàng đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN lần thứ 3 trong năm 2024

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith, hiện Lào đã sẵn sàng đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2024 với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy sự kết nối và tự cường”.

Khai mạc Diễn đàn chiến lược ASEAN-Hàn Quốc

Ngày 1/11/2023, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn chiến lược ASEAN-Hàn Quốc với chủ đề "Hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Hàn Quốc vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng". Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất.

Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 sẽ diễn ra từ 20-23/9 tại Đà Nẵng

Từ ngày 20-23/9, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16, Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN+3 lần thứ 7 và các hội nghị quan chức cấp cao liên quan. Quy mô khoảng 100-150 đại biểu quốc tế và 250-300 đại biểu Việt Nam.