Đưa thương mại điện tử thành trụ cột trong kinh tế số

Những năm trở lại đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng mở rộng và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến của người dân, doanh nghiệp. Nhờ sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng, quy trình cung ứng hàng hóa, dịch vụ cùng sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế số.

Người tiêu dùng trải nghiệm công nghệ số và thương mại điện tử. (Ảnh ĐẶNG MINH)

Nhờ sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng, quy trình cung ứng hàng hóa, dịch vụ cùng sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế số.

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam, khiến chỉ số ngành bán buôn, bán lẻ cả nước giảm 0,21% so với năm trước, thương mại điện tử vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD. Bước sang năm 2022, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại nội địa.

Hoàn thiện khung pháp lý

Theo Sách Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) công bố, quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 20% trong năm 2022, đạt khoảng 16,4 tỷ USD. Bên cạnh đó, ước tính có khoảng 57 triệu đến 60 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người khoảng 260-285 USD.

Kết quả này có được do chúng ta đã tận dụng tốt xu thế phát triển của thương mại điện tử và một nguyên nhân quan trọng khác là nhờ khung pháp lý dành cho các hoạt động mua sắm trực tuyến cũng dần được bổ sung và hoàn thiện. Trưởng phòng Chính sách (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) Lê Thị Hà cho biết, kể từ khi Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử được ban hành, tốc độ phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên 16,4 tỷ USD năm 2022.

Tuy nhiên, trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ cũng như các loại hình kinh doanh trực tuyến, Chính phủ đã tiếp tục ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP để đáp ứng các yêu cầu mới về quản lý nhà nước. Nghị định này có nhiều điểm mới như đã thu hẹp đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; thúc đẩy minh bạch hóa thông tin hàng hóa, dịch vụ trên thị trường thương mại điện tử;…

Nghị định còn có nhiều quy định tăng cường trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp sàn giao dịch. Cụ thể, Nghị định đưa ra yêu cầu người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cần cung cấp thông tin theo quy định khi đăng ký sử dụng dịch vụ, riêng với người bán nước ngoài thì các tên riêng phải được phiên âm tiếng Việt hoặc thể hiện bằng ký tự la-tinh; có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn; hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp, khiếu nại.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá, sau khi Nghị định 85/2021/NĐ-CP có hiệu lực, khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử đã dần được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ thời gian qua, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại nội địa, góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng cũng như bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước.

Tăng cường chống hàng giả, hàng nhái

Thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhanh chóng, dễ dàng tiếp cận với khách hàng. Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, thương mại điện tử đã đóng vai trò như “phao cứu sinh” giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn để tồn tại.

Tuy nhiên, khi giá trị cũng như số lượng giao dịch gia tăng cũng đi kèm với nhiều phát sinh như hàng giả, hàng nhái hay lừa đảo trên môi trường trực tuyến do người mua, người bán không gặp nhau; những hành vi vi phạm pháp luật trong thương mại điện tử đang có xu hướng gia tăng mạnh. Chỉ riêng trong hai năm dịch Covid-19 bùng phát, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp tổ chức kiểm tra 3.000 vụ và đã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử với khoản tiền lên đến 20 tỷ đồng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh dự báo, trong vòng hai đến ba năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm từ 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Do đó, việc phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử sẽ được cả lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý.

Hiện Tổng cục Quản lý thị trường cũng đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xây dựng “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025” với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan.

Phòng, chống hàng giả, hàng nhái trên mạng là một “mặt trận” lớn, nhiều khó khăn, nhưng theo Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) Nguyễn Hữu Tuấn, hiện nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng bảo vệ thương hiệu khi tham gia kinh doanh trên môi trường trực tuyến.

Đáng nói hơn, có tình trạng người tiêu dùng dù biết là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn mua vì giá rẻ, vô hình trung đã tiếp tay cho hàng giả. Do đó, để “mặt trận” chống hàng giả hiệu quả, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý, đòi hỏi doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình; các hiệp hội cũng phải có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến để doanh nghiệp ý thức tự bảo vệ thương hiệu mình trước tiên.

Về phía người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức, nói không với hàng giả, hàng nhái khi tham gia mua sắm trực tuyến. Khi đã không có cầu, nguồn cung sẽ giảm, qua đó giúp dần loại bỏ vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang tràn lan trên môi trường thương mại điện tử như hiện nay.

https://nhandan.vn/dua-thuong-mai-dien-tu-thanh-tru-cot-trong-kinh-te-so-post716425.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...

Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Cục Điện ảnh sẽ tổ chức "Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ" từ ngày 24-30/4/2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo nhân lực bán dẫn là "đột phá của đột phá"

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Việt Nam có các điều kiện và nền tảng để thực hiện việc này, các chủ thể liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần chủ động,...

Bảo tàng lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử

Bảo tàng lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ được khánh thành năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Khu vực tham quan của bảo tàng bao gồm tầng trệt và tầng nổi; tầng nổi là Nhà trưng bày, đang trưng bày gần 1.000 hiện vật và hình ảnh cùng với những cảnh quan, cảnh tượng...

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong dịp Lễ 30/4, 01/5 và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng, duy trì hoạt động ổn định các hệ thống thông tin trong thời gian diễn ra những ngày lễ lớn như Kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Ngày Quốc tế lao động 01/5 và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các...

Sự kiện “Tuần Văn hoá – Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Từ ngày 27/4 - 3/5, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức “Tuần Văn hóa - Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024.