Cá nướng 2 lửa, món ngon vùng Nghĩa Đô

Để có những mẻ cá nướng thơm ngon, đồng bào Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên thường chọn nguyên liệu là cá tự nhiên từ sông, suối, ao, hồ. Đó là các loại cá chép, cá trôi, cá trắm vừa béo, vừa nhiều thịt với trọng lượng từ 1,5 kg trở lên. Khi bắt về, cá được mổ, làm sạch vảy, xẻ đôi mình rồi thái ngang thớ tạo ra những miếng dày chừng 5 - 7 cm, dài chừng 15 - 20 cm (tùy trọng lượng của cá).

Sau khi thái khúc, cá để ráo nước sau đó mới trộn gia vị. Gia vị để ướp cá gồm hạt mắc khén, hạt dổi, muối, lá gừng, củ sả, các loại lá rau thơm trong vườn nhà. Tất cả được giã nhuyễn rồi ướp với miếng cá chừng 20 phút cho gia vị ngấm đều. Dùng que tre nhỏ, vót nhọn một đầu xiên dọc miếng cá để tạo bề mặt thẳng cho miếng cá. Sau đó dùng hai kẹp tre kẹp các xiên cá thành một kẹp cá lớn để nướng.

Dư vị thơm ngon và cách chế biến độc đáo của món cá nướng hai lửa níu chân du khách phương xa. 

Muốn cá nướng được đều và ngon, nhất định phải có than hồng. Điểm khác biệt ở món ăn này so với các món cá nướng khác là nướng hai lần lửa. Lần thứ nhất, các kẹp cá được ghé hong cạnh bếp lửa, không quá gần, không quá nhiều than. Lần này, cốt chỉ để cho bề mặt cá khô và vừa chín tới. Sau đó, các xiên cá để nguyên trong kẹp tre, có thể để trên gác bếp cao cho có vị khói, giữ được độ nóng hoặc cất trong rổ tre, đậy lá chuối bên trên.

Lần nướng thứ hai sẽ quyết định độ chín, thơm ngon của cá vì lần này cá sẽ được nướng gần bữa ăn. Kẹp cá được mang ra nướng lần hai trên than hồng bên bếp lửa. Ở lần nướng này, người nướng cá chú ý không để cá quá gần than tránh cá bị cháy mà để xiên cá nóng dần, vàng dần và chín kỹ ở phía trong.

Cá nướng hai lửa khi chín bề ngoài có màu vàng, da cá giòn, thịt cá bên trong có màu trắng tự nhiên theo kiểu “nanh vỏ trắng lòng”. Khi thưởng thức, cá nướng hai lửa có độ thơm ngon, thịt dai chắc, có mùi vị tổng hòa của các loại gia vị trong tự nhiên. Người thưởng thức có cảm giác ngon miệng từ vị thơm của cá, vị cay nồng của gia vị, vị ngai ngái của khói bếp, độ giòn của da cá.

Món ăn này thưởng thức ngon nhất khi còn nóng, rất hợp khi ăn với cơm nóng và chấm với muối ớt trộn với củ gừng. Bốn mùa trong năm, đồng bào Tày ở Nghĩa Đô đều xuống suối bắt cá để chế biến món cá nướng hai lửa. Món ăn này có sự tổng hòa giữa cá và các loại gia vị của núi rừng, trong vườn nhà, thể hiện sự khéo léo của người chế biến. Đồng thời, món ăn này nhờ nướng hai lửa nên giữ được vị thơm ngon trong nhiều ngày.

Dừng chân ở các bản Tày bình yên, thơ mộng trong chuyến khám phá du lịch cộng đồng Nghĩa Đô, bên bếp lửa hồng trên căn nhà sàn truyền thống, đồng bào Tày chế biến món cá nướng hai lửa để mời khách thưởng thức như để giới thiệu cho người phương xa dư vị ẩm thực truyền thống của dân tộc mình.

https://baolaocai.vn/bai-viet/360650-ca-nuong-2-lua-mon-ngon-vung-nghia-do

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Dúa chỏ - Món quà vặt của vùng cao

Cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 10 km, xã Hoàng Thu Phố có 5 thôn, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quần thể cây chè di sản và bất cứ du khách nào đến Hoàng Thu Phố cũng được người dân mời thưởng thức món “dúa chỏ” (bánh nếp đường)...

Tạo sự đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu

Việc mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát...

Bản Hồ mùa cốm mới

Khi tiết thu se lạnh, những ruộng lúa nếp bắt đầu chắc hạt, người dân xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) háo hức bước vào vụ cốm mới. Những hạt cốm màu xanh ngọc, dẻo thơm càng cuốn hút du khách đến với vùng đất này.

Bánh chuối - hương vị ẩm thực đặc trưng của người Tày

Trong văn hóa ẩm thực mỗi dân tộc, mỗi địa phương đều có những món ăn độc đáo, mang đậm nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của từng dân tộc. Đối với dân tộc Tày ở Văn Bàn (Lào Cai), nhiều món bánh của họ đã trở thành đặc sản, ăn một lần là nhớ mãi và bánh chuối là một món ăn như vậy, bình dị...

Lên núi xem người Mông hái trà cổ thụ

Những ngày này, khi búp trà xuân đã đến độ, ngậm đủ sương, uống đủ nắng, bà con người Mông ở xã vùng cao Tả Thàng (huyện Mường Khương) bắt đầu bước vào vụ thu hái trà cổ thụ.

Lan tỏa văn hóa ẩm thực Hàn Quốc tại “xứ sở sương mù”

Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Lào Cai - Sa Pa năm 2023 vừa diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn, đậm sắc màu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc, trong đó, lớp học tập thể làm kim chi là một trong những trải nghiệm ấn tượng.