Xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam

Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn giữ vị trí hàng đầu thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch mà xuất khẩu gạo mang lại chưa tương xứng với tiềm năng và công sức của người trồng lúa. Nguyên nhân là do hầu hết gạo Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, chưa có thương hiệu riêng. Thời gian gần đây, các mô hình liên kết trồng lúa chất lượng cao xuất hiện ngày càng nhiều, là cơ hội lớn cho ngành hàng xuất khẩu gạo chuyển mình, gây dựng thương hiệu trên trường quốc tế.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. (Ảnh Minh Anh)

Bài 1: Đổi mới tư duy sản xuất và tiêu thụ

Xác định rõ muốn xây dựng thương hiệu gạo phải bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng, nên các địa phương, nông dân, doanh nghiệp đã tập trung đổi mới từ khâu sản xuất, thu hoạch lúa đến chế biến, tiêu thụ. Nhiều cánh đồng lúa hữu cơ, lúa sạch đã hình thành cùng nhiều mô hình liên kết được xây dựng bền chặt và hiệu quả.

Nông dân chuyên tâm

Hơn nửa đời người gắn bó với đồng ruộng, ông Mai Văn Ðởm, sinh năm 1962, ngụ ấp 5, xã Mỹ Ðông, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp không thể ngờ có ngày ông và gia đình chuyển đổi từ trồng lúa theo truyền thống và kinh nghiệm sang trồng lúa chất lượng cao, lúa sạch thông qua việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Chỉ tay về 5ha lúa đang phát triển xanh tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu, ông Mai Văn Ðởm chia sẻ: "Lúc đầu cán bộ nông nghiệp huyện xuống tận nhà vận động trồng lúa sạch, tôi ngần ngại lắm vì từ hồi nào tới giờ mình làm lúa theo cách truyền thống quen rồi. Song tôi cũng quyết tâm làm, vụ đầu còn lúng túng do khâu chăm sóc đòi hỏi nhiều công sức, kỹ thuật cao, thêm việc phải ghi sổ nhật ký sản xuất lúa đầy đủ… Dần dần cũng quen. Hơn nữa, làm lúa sạch ít tốn vật tư hơn nên chi phí sản xuất tiết kiệm được khoảng 200 đồng/kg lúa. Giờ 5ha lúa của gia đình đã ký hợp đồng 5 năm cho một doanh nghiệp thu mua chế biến gạo xuất khẩu. Trừ chi phí, mỗi một công đất (1.000m2) cho lợi nhuận 2,5 triệu đồng.

Ông Phan Công Chính, ngụ ấp Tân Phú B, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp, cũng đã có tới 50 năm gắn bó với nghề nông. Với trăn trở làm sao tạo ra sản phẩm lúa, gạo sạch đến người tiêu dùng, từ năm 2016, ông Chính bắt tay vào làm lúa theo hướng hữu cơ: "Khi đi thăm một số mô hình trồng lúa hữu cơ, thấy hiệu quả cao, nhất là thỏa mãn được ao ước trồng lúa an toàn, lúa sạch nên tôi đã về trồng thử nghiệm và được địa phương, doanh nghiệp thu mua ủng hộ. Ðến nay, tất cả diện tích lúa 15ha của gia đình đều được trồng theo hướng hữu cơ, lúa sạch. "Dù là vụ hè thu nhưng ruộng trồng lúa giống OM5451 nhìn rất đẹp. Tôi ước tính bình quân, mỗi héc-ta thu hoạch được 6 tấn. Nhờ giảm chi phí khi thực hiện mô hình tiết kiệm phân bón, cộng với sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, lúa sạch ít bị sâu bệnh, giá bán lại cao nên gia đình rất phấn khởi, tin tưởng vào hướng đi của mình. Hiện, các doanh nghiệp đều ký hợp đồng thu mua từ khá sớm nên đầu ra cho sản phẩm từ các mô hình lúa sạch là hoàn toàn yên tâm"-ông Chính nói. Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ðồng Tháp, hiện toàn tỉnh có 12 hợp tác xã sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích 421ha thì trong đó có đến 11 hợp tác xã sản xuất lúa.

Tại tỉnh Sóc Trăng, diện tích trồng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản đang ngày càng tăng. Toàn tỉnh có diện tích canh tác hằng năm hơn 350.000ha, sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn lúa mỗi năm; trong đó lúa đặc sản chiếm hơn 51%. Nhờ sự tích cực triển khai kết nối giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân nên những năm gần đây nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ đã hình thành. Ðiển hình như Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Ðức, huyện Long Phú. 4 năm qua, tổng diện tích ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa của hợp tác xã đạt hơn 3.900ha, sản lượng cung ứng 29.500 tấn lúa, trong đó chủ yếu là lúa đặc sản chất lượng cao. Phó Giám đốc Hợp tác xã Võ Văn Thạnh cho biết: Hợp tác xã đã nhận được sự hỗ trợ từ Dự án Nông nghiệp bền vững để xây dựng nhà kho, hệ thống sấy, máy sàng tách hạt giống, máy thu rơm…; các thành viên hợp tác xã được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất lúa giống, giúp lúa hàng hóa của hợp tác xã luôn đạt chất lượng cao, giá thành sản xuất thấp, tăng lợi nhuận cho hơn 500 thành viên. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, năm 2021, Sóc Trăng có 131 lượt công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ với tổng diện tích 61.922ha, tăng 68% (25.175ha) so với năm 2020. Thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lợi nhuận bình quân trong năm 2021 của nông dân Sóc Trăng vẫn đạt từ 8,6 đến 26,3 triệu đồng/ha.

Gạo mang thương hiệu riêng "Cơm Việt Nam Rice" của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Doanh nghiệp đón đầu

Thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình hợp tác xã để tổ chức sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo đang là yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao giá trị hạt gạo; đồng thời phân phối lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia liên kết. Hiện nhiều địa phương đã có các chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện của nông dân có cơ hội tiếp cận, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.

Trong vụ hè thu 2022, Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long tại tỉnh Ðồng Tháp và Hợp tác xã Trường Phát, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa OM18 trên diện tích sản xuất 500ha, sản lượng dự kiến khoảng 3.500 tấn. Theo đó, công ty cung cấp vật tư đầu vào, như lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… thông qua đầu mối hợp tác xã để phân bổ lại cho các thành viên. Các chi phí này sẽ được trả vào cuối vụ. Nông dân tham gia còn được hỗ trợ thực hiện quy trình canh tác lúa và hướng dẫn ghi nhật ký sản xuất để tiến đến đăng ký mã số vùng trồng lúa.

Cũng với hình thức liên kết, Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm và Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm. Công ty sẽ cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ chi phí vật tư phân hữu cơ hai năm đầu với mức 5 triệu đồng/ha để thực hiện cải tạo đất, cải tạo hệ sinh thái trong môi trường đất nhằm tiến tới việc sản xuất lúa hữu cơ. Sau khi trừ chi phí đầu tư, hiệu quả mà mô hình này mang lại cao hơn so với canh tác truyền thống là 4,6 triệu đồng/ha.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) Phạm Thái Bình cho biết: "Công ty Trung An đã liên kết với nông dân từ năm 2012 đến nay. Mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là hướng đi bền vững trong sản xuất lúa theo tín hiệu của thị trường. Thực tế, sản lượng lúa gạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long rất lớn nên luôn gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ. Do đó, khi có đầu ra ổn định người nông dân sẽ yên tâm sản xuất. Doanh nghiệp cũng rất cần liên kết với nông dân để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, từ đó, nâng cao giá trị của lúa gạo, tăng doanh thu và lợi nhuận cho cả nông dân và doanh nghiệp". Trước hạn chế của mối liên kết là có tình trạng nông dân hoặc doanh nghiệp "bẻ kèo" trong thu mua lúa, Giám đốc Công ty cổ phần Gạo Ông Thọ Dương Thanh Thảo chia sẻ: Theo kinh nghiệm của doanh nghiệp, để tránh việc đứt gãy chuỗi cung ứng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo thì ngay từ đầu, công ty có cam kết, ký kết với nông dân, phổ biến từng vấn đề cụ thể như yêu cầu về quy trình sản xuất, lợi ích về giá lúa, thương hiệu lúa, gạo, lợi ích về môi trường sống của nông dân khi tham gia liên kết. Công ty thực hiện đúng, đủ theo các cam kết đó thì mối liên kết sẽ bền vững.

https://nhandan.vn/xay-dung-thuong-hieu-cho-gao-viet-nam-post706974.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Tỉnh Đắk Nông Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập và Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh

Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004-1/1/2024) có ý nghĩa chính trị sâu sắc, là sự kiện quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Nông. Đây là chương trình trọng tâm chào mừng 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông.

Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang

Ngày 24/3/2024, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”

Khi đề cập đến những nhiệm vụ trong giai đoạn sắp tới, trong phần thứ ba của bài viết Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Ðảng và...

Kinh tế chuyển biến tích cực hơn

Hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, tạo động lực mới, khí thế mới và đà phát triển thời gian tới. Tuy nhiên để thúc đẩy tăng trưởng, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, sản xuất...

Kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch

Nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta kiên quyết đấu tranh với các tổ chức, cá nhân có hành vi lan truyền, tiếp tay, cổ súy những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ. Đồng thời, những biểu hiện thờ ơ, vô cảm, né tránh không dám đấu tranh với các quan...

Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy

Sau vụ cháy tòa nhà cao tầng trên phố Ô Chợ Dừa, Hà Nội vào sáng 12/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có Công điện số 21/CĐ-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy gửi Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.