Sắc màu chợ phiên Cán Cấu

Trong các chợ phiên được họp ở Lào Cai, chợ Cán Cấu còn giữ lại được những nét văn hóa sinh hoạt truyền thống hàng trăm năm của người Mông Hoa, Dao đen, Tày, Nùng và người Giáy. Chợ họp ngay ven đường 153, con đường nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên ải Si Ma Cai.

Không gian chợ được chia thành nhiều khu, dành cho đủ mọi mặt hàng nhưng chủ yếu là các loại rau quả, dược thảo, gia vị, đồ dùng trong gia đình và các sản phẩm thổ cẩm đủ màu sắc. Mỗi khu có một nét độc đáo riêng. Nổi bật nhất vẫn là khu bán thổ cẩm. 

Sắc màu thổ cẩm tại chợ phiên Cán Cấu.

Hình ảnh đầu tiên bắt gặp tại chợ phiên là các các bà, các cô, các em gái diện trên mình những bộ váy áo đủ màu sắc. Mỗi dân tộc có một có một sắc màu riêng vì thế, thổ cẩm ở chợ phiên Cán Cấu vừa độc đáo, vừa rực rỡ. Thích nhất là hòa mình vào không gian ấy, ngắm các thiếu nữ Mông, Giáy, Dao ướm thử những chiếc váy thổ cẩm nhiều màu, đường nét thêu thùa tinh xảo, rồi tâm trạng xốn xang của những đứa trẻ được mẹ mua cho váy áo mới. Tiếng leng keng, xúc xắc của những chiếc vòng trang sức trên tai, cổ, tay của những sơn nữ càng khiến cho sắc màu thổ cẩm trở nên sống động. Lạc vào khu này, du khách được tận mắt thấy những hoa văn thêu và trang trí cầu kỳ đến từng chi tiết trên những chiếc váy, áo thổ cẩm của các cô gái dân tộc Mông. Có những chiếc váy làm thủ công, mất cả năm trời mới hoàn thành nên sẽ không có gì là lạ khi giá được bán lên đến cả triệu đồng. Bên cạnh váy áo, còn có chỉ thêu đủ màu, những phụ kiện đính kèm như hạt cườm trang trí trên váy áo rất phong phú, đủ loại vòng, xuyến, hoa tai chạm khắc tinh xảo và đẹp mắt.

Ấn tượng nhất của chợ phiên Cán Cấu là những mặt hàng nông sản của đồng bào vùng cao mang xuống chợ. Tất cả đều tươi rói, đậm sắc màu. Có màu đỏ tươi của những chùm ớt chỉ thiên của người Mông Hoa trồng trên núi cao, có màu tím của những chùm cà, màu xanh của cải nương, dưa núi… Những thức hàng như hương thơm, hạt xẻng, củ kiệu, lợn cắp nách, gà đen…, toàn là những mặt hàng ngon và sạch của cư dân bản địa. Cách bán hàng của đồng bào nơi đây thật thú vị: không cân đo mà định sẵn tiền bằng chùm, bó,… Đa số các mặt hàng được bày bán tại chợ do người dân tự làm tự sản xuất như rau, củ, quả, thịt, gà, ngan, vịt. Ngoài ra, đồng bào còn bán các vật dụng cần thiết trong gia đình và phục vụ công việc lao động hàng ngày.

Chợ trâu Cán Cấu thu hút người bán, mua từ nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh.

Độc đáo hơn cả là khu vực bán gia súc, gia cầm ở chợ phiên Cán Cấu. Chợ trâu Cán Cấu đã trở thành đặc trưng ở miền sơn cước này. Tuy không ồn ào, náo nhiệt như ở khu chợ trên, nhưng chợ trâu lại có sự sôi động riêng. Người đến bán, kẻ đến mua, cả những người dân và du khách hiếu kỳ cũng đến xem nhộn nhịp. Họ tụ tập thành từng nhóm quanh những chú trâu để ngắm nghía, bình phẩm, trao đổi với nhau. Những con trâu mộng to khỏe, lực lưỡng, thân hình đen bóng, tướng mạo dữ tợn, đứng cứ lừng lững, cặp sừng vênh vênh nhọn hoắt. Đối với người nông dân, con trâu là cả một gia tài lớn. Tuy thế việc mua bán chủ yếu dựa theo kiểu “thuận mua vừa bán” và hoàn toàn trao đổi miệng, lựa bán giá theo kinh nghiệm.

Càng gần trưa, chợ trâu Cán Cấu càng đông. Bãi đất phía trên đã chật kín tới cả trăm con trâu. Tại đây, trâu được người ta mua về để phục vụ việc cày bừa, làm giống, xẻ thịt bán hoặc được các lái trâu mua về vỗ béo rồi bán lại vào dịp chợ phiên khác. Chợ phiên Cán Cấu không chỉ thu hút các thương lái mang những con trâu của miền núi cao về xuôi mà còn hấp dẫn, thu hút khách du lịch, nhất là khách nước ngoài.

Chợ phiên Cán Cấu dù đến một lần nhưng bạn sẽ cảm nhận được những nét văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào vùng cao, cảm nhận được tình người qua sự giao lưu nồng ấm và nhớ mãi không khí chợ phiên nơi miền sơn cước./.

Minh Phượng

Tin Liên Quan

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Người Tày xã bản Hồ giữ nghề truyền thông

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lào Cai: Bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán xã hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch

Năm 2024, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: Lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị ít nhất 01 lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 19/4/2024, Lào Cai phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai. Trong đó, ngày 15/4 là ngày phát động đồng bộ thực hiện mặc trang phục truyền thống các dân tộc trên phạm vi toàn tỉnh.

Nét đẹp văn hóa của chợ tình Sa Pa

Không chỉ có tiềm năng từ thiên nhiên ban tặng, Sa Pa còn giàu về văn hóa, lối sống, phong tục và con người. Điển hình trong đó không thể không nhắc đến chợ tình Sa Pa.