Mẫu Thượng Ngàn nơi biên ải

Văn Bàn là vùng đất cổ linh thiêng, nơi ghi dấu biết bao chiến công hiển hách của cha ông ta trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Trải qua chiều dài lịch sử, nhiều di tích được phát hiện và khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Văn Bàn anh hùng. Nằm bên hữu ngạn sông Hồng tại thôn Tân An 2, xã Tân An, huyện Văn Bàn có một ngôi đền gọi là đền Cô Tân An, nơi thờ nữ chúa có tên húy là Hoàng Bà Xa. Ngôi đền linh thiêng trở thành điểm du lịch tâm linh, thu hút hàng ngàn du khách tham quan, chiêm bái hằng năm.
Đền Cô là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn

Cũng như nhiều di tích lịch sử văn hóa, đến nay có nhiều ý kiến khác nhau về vị thần được thờ trong đền Cô. Có ý kiến cho rằng, đây là nơi thờ tự con gái danh tướng Hoàng Bảy, nhưng cũng có dị bản khác rằng, đền Cô là nơi thờ Cô bé Thượng Ngàn. Đây là một tiên cô nổi tiếng về ngự trong các giá hầu cô. Tuy nhiên, những dị khảo hay ý kiến khác nhau về vị thần được thờ trong đền đã được chứng minh, làm rõ khi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh sưu tầm, tìm lại được bản sắc phong. Theo đó, triều Nguyễn, niên hiệu Khải Định thứ 9 đã ban sắc phong cho đền Cô là nơi thờ phụng Công chúa Thượng Ngàn. Từ bản sắc phong có thể xác định đền Cô chính là nơi thờ Công chúa Thượng Ngàn hay còn gọi là Mẫu Thượng Ngàn, là 1 trong 3 vị mẫu trên cung thờ Tam tòa Thánh mẫu của hầu hết các ngôi đền khu vực phía Bắc nước ta. Bản sắc phong của triều Nguyễn như một sự minh chứng khẳng định tầm quan trọng của việc thời Mẫu Thượng Ngàn nơi biên ải.

Lễ hội đền Cô hằng năm diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn.

Là thủ nhang thâm niên đã lâu tại đền Cô, ông Phạm Văn Chiến cho biết: Đến nay chưa có tài liệu nào nói đến lịch sử xây dựng đền, nhưng những gì còn lại cho thấy đền Cô có từ rất lâu đời. Tương truyền, xưa kia khu vực Tân An có một dãy phố gọi là Phố Cũ, nơi đó đông đúc cư dân, bên cạnh bờ sông Hồng (vị trí ngôi đền ngày nay) có một ngôi miếu nằm cạnh cây trâm vối và cây gạo cổ thụ gọi là miếu Cô, đối diện bên kia sông Hồng (đền Bảo Hà ngày nay) cũng có một miếu gọi là miếu Cậu. Vào ngày rằm, mùng một hằng tháng, Nhân dân khắp trong vùng Khau bản (khu vực Bảo Hà, Tân An ngày nay) lại đến dâng lễ tại 2 ngôi miếu này. Người dân cho rằng, 2 ngôi miếu này rất linh thiêng, cầu gì được nấy. Về sau do chiến tranh, 2 ngôi miếu đã bị tháo dỡ một phần. Năm 1971, một trận lũ lớn xảy ra, nước sông dâng cao, cuốn trôi cả ngôi đền (cột gỗ, lợp lá, nhưng nền cũ của đền không bị sạt lở mà hiện nay vẫn còn). Những năm tháng sau đó, Nhân dân vùng Bảo Hà, Tân An cùng với Nhân dân cả nước dốc sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam nên việc thờ cúng không mấy ai để ý. Sau này khi nghiên cứu qua sử liệu, qua các hiện vật khai quật được tại Bảo Hà và Tân An cho thấy, đây thực chất là 2 đền thờ Mẫu Thượng Ngàn ở Tân An và Quan Hoàng Bảy ở Bảo Hà.

Lễ hội đền Cô thu hút sự quan tâm của người dân địa phương và du khách.

Bảo tồn và tôn tạo di tích

Với những giá trị độc đáo cả về lịch sử, văn hóa và kiến trúc của ngôi đền, tháng 10/2016, đền Cô, xã Tân An được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Hằng năm, Lễ hội đền Cô diễn ra vào ngày 17 tháng Giêng thu hút hàng ngàn người dân và du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Nghi thức tế ở đền được tổ chức quy mô, trang trọng theo nghi thức lễ tế Mẫu Thượng Ngàn. Đây là dịp để người dân và du khách dâng hương lên Công chúa Thượng Ngàn - Bà chúa Mẫu cai quản núi rừng nơi biên ải và các thần, thánh thờ trong đền. Lễ hội đền Cô cũng là hoạt động gắn kết chặt chẽ giữa 2 di tích đền Bảo Hà và đền Cô ở 2 bờ sông Hồng. Ngoài phần lễ, đền Cô còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thu hút du khách.

Ngoài những ngày lễ, mỗi ngày đền Cô thu hút khoảng 300 - 400 lượt khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Nơi này không chỉ là điểm đến tâm linh, mà còn là nơi lưu giữ các nét văn hóa dân tộc, điểm du lịch tâm linh cùng tuyến kết nối với các đền Bảo Hà (Bảo Yên), đền Chiềng Ken (xã Chiềng Ken, Văn Bàn)…

Ông Phí Công Hoan, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết: Thời gian tới, Văn Bàn sẽ thành lập Ban Quản lý di tích cấp huyện. Trên cơ sở đó, huyện xây dựng bộ máy đảm bảo quản lý, vận hành và khai thác hiệu quả các di tích lịch sử mang yếu tố văn hóa và tâm linh. Theo đó, đền Cô sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu tâm linh của Nhân dân và du khách thập phương.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Người Tày xã bản Hồ giữ nghề truyền thông

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lào Cai: Bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán xã hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch

Năm 2024, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: Lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị ít nhất 01 lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 19/4/2024, Lào Cai phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai. Trong đó, ngày 15/4 là ngày phát động đồng bộ thực hiện mặc trang phục truyền thống các dân tộc trên phạm vi toàn tỉnh.