Lễ hội Khô già già – Nét đẹp văn hóa dân tộc Hà Nhì

Lễ hội Khô già già là lễ hội cầu mùa lớn nhất và lâu đời nhất của người Hà Nhì đen ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Lễ hội được diễn ra vào tháng 6 âm lịch hằng năm để cầu mong cho mùa màng bội thu, người an vật thịnh, cuộc sống ấm no hạnh phúc. 

“Khô già già” theo tiếng Hà Nhì có nghĩa là “bội thu”. Theo phong tục, Lễ hội được tổ chức từ ngày Thìn (ngày con rồng) đến ngày Thân (ngày con khỉ) của tháng 6 âm lịch hàng năm với mong muốn thần đất, thần rừng, thần nước, thần tình duyên bảo vệ con người khỏe mạnh, phù hộ cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chăn nuôi phát triển, mùa vụ bội thu.

Thầy cúng làm lễ cúng thần linh.

Lễ hội cầu mùa của người dân tộc Hà Nhì gồm phần lễ độc đáo và phần hội với các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa của người dân tộc vùng cao. Địa điểm tổ chức lễ hội là bãi đất trống tại khu rừng cúng duy nhất, nơi mà mọi người già, trẻ, gái, trai đều có thể đến vui chơi trong ngày hội. Ngay từ sáng sớm ngày đầu tiên diễn ra lễ hội, bà con tiến hành công việc đi lấy cỏ tranh và tre lợp lại nhà, nơi diễn ra các hoạt động của lễ hội. Khi lễ hội đã được tập kết, những người đàn ông Hà Nhì cùng nhau sửa chữa, lợp lại mái nhà với ý nghĩa mỗi năm qua đi những cái mới sẽ mang lại điều tốt đẹp cho bản làng. 

Ngày thứ hai của lễ hội là nghi lễ mổ trâu. Theo quan niệm của người Hà Nhì, con trâu mổ trong ngày này đã được chọn kỹ lưỡng trước 1 tháng diễn ra lễ hội. Trâu được chọn phải là trâu đực mới lớn, khỏe mạnh và được chăm sóc cẩn thận cho đến ngày làm lễ. Khi trâu được mổ xong, sẽ tiến hành chia tất cả các phần thịt đều nhau cho cả làng bản. Mỗi gia đình tham gia buổi lễ sẽ lập một mâm lễ vật gồm thịt trâu, rượu và các sản vật làm được của gia đình như: Thịt lợn, thị gà, trứng, lạc, đỗ tương, bí, dưa chuột… rước từ nhà ra rừng góp với làng, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đến các đấng thần lình đã che chở cuộc sống, phù hộ cho dân làng.

Chia thịt trâu cho các hộ gia đình trong thôn.

Ngày thứ ba của lễ hội, sáng sớm, những người đàn ông Hà Nhì sẽ tổ chức đi lấy gỗ và dây trên rừng về làm 2 trò chơi quan trọng là đu quay và đu dây. Cây gỗ và dây đu phải được chọn lựa kỹ càng và chắc khỏe. Chiều tối, thầy cúng cùng đại diện các gia đình trong thôn chuẩn bị mâm lễ mang ra lán thờ để cùng làm lễ cúng thần linh. Vị trí làm lễ là cột đu quay và đu dây. Mục đích của nghi lễ này là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân bản có cuộc sống ấm no. Đồng thời cũng là bày tỏ lòng biết ơn thần linh và cầu mong thần linh bảo vệ cho tất cả những người đến tham dự lễ hội, tham gia vào các trò chơi được an toàn. Sau lễ cũng, đồng bào dân tộc tại đây sẽ kiêng không chặt cây, cắt cỏ, băm chặt 3 ngày.

Có thể nói, vui nhất trong lễ hội Khô già già là phần hội, biểu diễn văn nghệ và thi các môn thể thao dân tộc truyền thống như đẩy gậy, đu quay, nhảy bao bố, kéo co... Lễ hội là một trong những ngày Tết truyền thống lớn nhất trong năm của người Hà Nhì. Những gia đình có con cái lấy chồng, lấy vợ hoặc sinh sống ở xa đều sắp xếp về lễ Tết, thăm hỏi bố mẹ trong dịp này. Nhiều năm trở lại đây, trong phần hội thường có sự tham gia của du khách từ khắp nơi đến tham quan. Các chàng trai, cô gái Hà Nhì không chỉ đến tham gia lễ hội mà còn đến để kết bạn, tìm người yêu thương, bạn đời cho mình.

Lễ hội Khô già già được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia ngày 19/12/2014, thuộc loại hình Lễ hội truyền thống. Những năm gần đây, lễ hội Khô già già được huyện Bát Xát tổ chức quy mô, bài bản trang trọng nhưng vẫn giữ nguyên vẹn nét độc đáo bản sắc của dân tộc và thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách đến tham quan.

Minh Phượng

Tin Liên Quan

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.