Xôi mẹ

"Con nhớ nhé, khẩu rang thi thoảng có những đầu hạt bị đen nên trước khi làm xôi phải nhặt kỹ. Lúc ngâm, con chỉ cho nước lạnh xâm xấp mặt gạo để giữ nguyên hương vị cốm. Khi cháy hết một nén hương đen thì đổ gạo ra cho ráo nước rồi cho vào chõ xôi lên. Từ lúc nước sôi, con nhớ để củi nhỏ lửa để giữ hương vị của nếp. Con xem hết đúng một nén hương nhỏ thì được.".
Gạo khẩu rang.

Dưới ánh lửa bập bùng, mẹ vừa đồ xôi vừa rỉ rả dặn tôi như vậy. Khuôn mặt mẹ hồng rực trong ánh lửa. Hương khẩu rang dần dần ngào ngạt khắp gian bếp, lan tỏa ra ngoài sân, ngõ. Tôi vừa hít hà hương vị nồng nàn của xôi, vừa giúp mẹ dỡ xôi ra mâm. Lát sau, những gói xôi khẩu rang trong những tấm lá dong xanh mởn đã nằm gọn trong hành lý tỏa hương thơm nức. Tôi sẽ mang về nhà chia cho bạn bè. Với người dân phố, những gói xôi này là món quà quê quý giá biết bao.

Mẹ kể: Năm đó, sắp vào vụ gặt nếp nương thì thiên tai ập đến với những cơn dông lốc kinh hoàng vùi dập tất cả các nương lúa. Tiếc công sức bao ngày tháng, dân làng tuốt từng bông lúa chưa chín hết ấy, mang về nhà luộc lên, dỡ ra phơi, đặng cứu vớt được chút gạo non ăn qua ngày. Không ngờ những hạt gạo “tai nạn” ấy khi được đồ chín lại thành những hạt xôi căng mọng có vị thơm mát và dẻo ngon chưa có ai từng được thưởng thức. Vậy là suốt những ngày sau đó, dân mình vợi bớt lo âu, hồ hởi lên nương lúa cặm cụi nhặt, tuốt từng bông đem về sơ chế, vừa vớt vát được phần nào những mất mát ông trời gây ra vừa thưởng thức một món ngon. Từ đó, chỉ quê mình mới có món này.

Câu chuyện về nguồn gốc của xôi khẩu rang qua giọng kể của mẹ cứ âm âm trong tôi, nhảy múa theo từng động tác của bàn tay mẹ đang khéo léo gói từng nắm xôi vào lá dong. Có lần, tôi mang gạo khẩu rang về thành phố, gọi bạn bè đến nhà, hào hứng trổ tài món quà đặc sản vùng cao quê mình. Vậy mà sản phẩm làm ra lại không thơm ngon như mẹ làm! Tôi thắc mắc với mẹ, mẹ chỉ cười: “Mẹ chẳng có bí quyết gì trong việc đồ xôi khẩu rang đâu. Con xem nước con ngâm là nước gì, chõ đồ xôi là chõ gì …”. Tôi mới ồ lên vỡ lẽ. Phải chăng hạt nếp khẩu rang quê tôi chỉ kén ngâm trong nước lần tinh khiết chảy từ ngọn núi xuống? Nó cũng không chịu dẻo thơm như nguyên bản khi đồ trong chõ nhôm trên bếp ga thành phố? Món đặc sản đó làm trên chính miền đất đã sinh ra nó thì mới ngon thơm đến tận cùng như thế.

Ngày ấy, tôi ngắm mẹ chăm chút nâng niu từng hạt khẩu rang như gửi cả tấm lòng trong đó cho đàn con của mình. Giống như người dân Tày quê tôi ngày xưa, gượng nhẹ từng bông lúa gãy rạp để làm nên những hạt xôi căng mọng thơm ngọt. Từ bàn tay mẹ, trong mỗi hạt xôi dẻo thơm như được chắt chiu từ tinh túy của đất trời vùng cao ấy, tôi như thấy những giọt mồ hôi thánh thót trên khuôn mặt mỗi người dân làng yêu quý; như thấy những giọt nước mắt mặn chát trước thiên tai dịch họa; thấy cả tình cảm của dân làng và của mẹ đong đầy trong đó.

Mẹ đi xa đã gần chục năm, nhưng hình bóng mẹ vẫn luôn hiện hữu trong chị em tôi, cần mẫn chỉ dẫn con gái từng nết ăn ở, từng món ăn ngon với những điều giản dị “Trong nhà, người phụ nữ là cái bếp. Nóng lạnh cũng từ cái bếp mà ra. Biết làm cho cái bếp luôn đỏ lửa là giữ ấm cho hạnh phúc gia đình. Biết nấu ăn ngon cũng là cách làm cho gia đình hạnh phúc”. Càng ngẫm lời mẹ, tôi càng thấm thía. Mẹ chỉ là phụ nữ Tày vùng cao chất phác mà hiểu được lẽ sống ở đời qua lối ví von “Cái bếp lửa”. Rưng rưng ngắm đĩa xôi khẩu rang trong ngày giỗ, cả một miền ký ức ùa về có bóng hình mẹ. Có bếp lửa ấp iu nồng đượm được thổi bùng lên mỗi sáng. Có những gói xôi khẩu rang thơm thảo cho con mang đi chia cho bạn bè. Có những  lời căn dặn về nếp sống và bản sắc văn hóa của cô gái Tày làm dâu thành phố…Những gói xôi ngày ấy ấp ủ bao yêu thương của mẹ dành cho con với niềm tự hào chân chất về một vùng quê đẫm đặc bản sắc văn hóa vùng cao này.

Dâng mẹ đĩa xôi khẩu rang thơm nức quê mình. Tự nhiên, nỗi nhớ mẹ cứ cồn cào trong con. Khói bếp hay niềm thương nỗi nhớ đã làm nhòe mắt con khi nhìn tấm ảnh mẹ đang cười rạng rỡ.

Con nhớ mẹ. Nhớ món xôi khẩu rang của mẹ.

Và con gọi món xôi đẫm tình yêu ấy là xôi MẸ.

-----------------

* Khẩu rang (tiếng Tày) là loại gạo nếp đặc biệt ở Bắc Hà (Lào Cai), do người Tày sáng tạo bằng cách gặt lúa nếp lúc mới chín gần nửa phần, đồ chín, phơi vào chỗ mát. Sau đó mới xay xát thành gạo. Ngày nay, tại Yên Bái cũng có khẩu rang Tú Lệ.

https://baolaocai.vn/bai-viet/356595-xoi-me

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Thực hiện quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu tại huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa

Đó là mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Lào Cai.

Bánh chưng cốm của người Thái

Vùng đất Thẳm Dương (Văn Bàn) không chỉ nổi tiếng với giống nếp đệ nhất “nữ hoàng” Khảu Tan Đón, còn có món bánh chưng cốm đang được cấp ủy, chính quyền cùng đồng bào dân tộc Thái nơi đây xây dựng trở thành thương hiệu riêng.

Làng làm bánh chưng Ún Tà vào tết

Đến làng Ún Tà, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) những ngày tháng Chạp. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe tiếng máy cắt ống cây nứa, tiếng lách cách chẻ ống lam, đặc biệt là mùi gạo nếp thơm nức của những mẻ bánh chưng vừa luộc sẵn sàng phục vụ khách hàng chuẩn bị đón tết.

Dúa chỏ - Món quà vặt của vùng cao

Cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 10 km, xã Hoàng Thu Phố có 5 thôn, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quần thể cây chè di sản và bất cứ du khách nào đến Hoàng Thu Phố cũng được người dân mời thưởng thức món “dúa chỏ” (bánh nếp đường)...

Tạo sự đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu

Việc mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát...

Bản Hồ mùa cốm mới

Khi tiết thu se lạnh, những ruộng lúa nếp bắt đầu chắc hạt, người dân xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) háo hức bước vào vụ cốm mới. Những hạt cốm màu xanh ngọc, dẻo thơm càng cuốn hút du khách đến với vùng đất này.