Thế giới tuần qua: Chính thức khai mạc SEA Games 31

Tuần qua (9 – 15/5), bên cạnh các diễn biến mới về tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng như cuộc xung đột tại Ukraine, thế giới tiếp tục ghi nhận một loạt các sự kiện đang chú ý khác như tân Tổng thống Hàn Quốc tuyên thệ nhậm chức; Nga kỷ niệm 77 năm Ngày chiến thắng phát xít, đặc biệt là sự kiện SEA Games 31 chính thức diễn ra…

Khai mạc SEA Games 31: Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn

Lễ thượng cờ Việt Nam tại lễ khai mạc. (Ảnh: TTXVN)

Sau 6 tháng trì hoãn vì ảnh hưởng phức tạp của đại dịch COVID-19, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 – năm 2021 (SEA Games 31) với khẩu hiệu: “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” đã chính thức khai mạc vào tối ngày 12/5 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, thủ đô Hà Nội.

Diễn ra từ ngày 12 – 23/5 tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố lân cận, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), có sự tham dự của khoảng gần 10.000 vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ, trọng tài... thi đấu ở 40 môn, hơn 520 nội dung. Đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai SEA Games kể từ năm 2003.

"Cùng tỏa sáng - Let's shine" là tiêu đề bài hát chính thức của SEA Games 31, đồng thời cũng là khát vọng thể hiện nội lực trong sự tương đồng và khác biệt của văn hóa các nước Đông Nam Á; kêu gọi tình đoàn kết, chia sẻ để kiến tạo một cộng đồng bền vững trong bối cảnh thế giới đang đứng trước những biến động và thử thách lớn lao.

Lần đầu tiên, Việt Namcó đủ điều kiện về thiết bị kỹ thuật và sự hỗ trợ của công nghệ mới trong nghệ thuật thể hiện, trong công nghệ biểu diễn và trình diễn mang tính quảng trường, đại chúng, chủ động và thể hiện rất ưu việt như công nghệ trình chiếu hình ảnh đồ họa (Mapping), công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality - AR), công nghệ Thực tế mở rộng (Extended Reality - EX) (bao gồm Thực tế tăng cường (AR- Augmented Reality), Thực tế ảo (VR-Virtual Reality), Thực tế hỗn hợp (MR-Mixed Reality), kết hợp với ngôn ngữ biểu trưng của văn hóa dân gian đã trở thành di sản được thế giới công nhận để thực hiện những phần nội dung quan trọng chính của chương trình.

Nội dung chính của lễ khai mạc thể hiện một Việt Nam chủ động, kết nối và truyền cảm hứng, lan tỏa đến các nước trong khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh thế giới đang gặp nhiều biến động lớn. "Hãy đến đây với chúng tôi, chúng ta sẽ cùng nhau tỏa sáng và thể hiện sức mạnh của tình đoàn kết, thái độ cầu thị và yêu chuộng hòa bình, giữ vững ổn định chính trị trong khu vực Đông Nam Á".

Hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu lần thứ 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) dự Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần đầu tiên về COVID-19 được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào tháng 9/2021. (Ảnh: Reuters) 

Ngày 12/5, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần thứ 2 về đại dịch COVID-19 diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự đồng chủ trì của Mỹ, Belize, Đức, Indonesia, và Senegal đã thu hút thêm những cam kết tài chính và chia sẻ công nghệ để cùng nỗ lực đẩy lùi đại dịch.

Hội nghị thượng đỉnh COVID lần thứ 2 tiếp tục những nỗ lực đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh COVID đầu tiên và tập trung vào bốn mục tiêu chính, đó là điều chỉnh cường độ cho phản ứng toàn cầu, tiêm chủng cho thế giới, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương nhất và ngăn ngừa các thảm họa trong tương lai.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá các chiến dịch tiêm phòng COVID-19 trên toàn cầu đã đạt được nhiều tiến bộ, việc bàn giao trang thiết bị y tế đến các quốc gia có nhu cầu cấp bách cũng đã tiến triển. Tuy nhiên ông cảnh báo đại dịch chưa qua đi và vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh tất cả các nước đều phải hành động nhiều hơn, trân trọng những điều đã mất đi trong đại dịch bằng cách nỗ lực hết sức để ngăn được càng nhiều ca tử vong vì COVID-19 càng tốt. 

Tuyên bố chung của các nước đồng chủ trì nhấn mạnh, hội nghị đã đạt được 3 thành công lớn bao gồm ưu tiên cho các nhóm dân cư rủi ro cao nhất nhằm cứu sinh mạng; mở rộng tiếp cận đối với các biện pháp phòng ngừa COVID-19 và các mối đe dọa trong tương lại; và duy trì đà ứng phó với đại dịch và ưu tiên sự sẵn sàng ứng phó với đại dịch.

Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về COVID-19 lần thứ 1 diễn ra tháng 9/2021 theo hình thức trực tuyến. Khi đó, Mỹ kêu gọi các đối tác cùng nỗ lực để giúp thế giới đạt mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho 70% dân số mỗi nước vào tháng 9/2022.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên thệ nhậm chức

Lễ nhậm chức Tổng thống của ông Yoon Suk-yeol diễn ra trang trọng tại quảng trường trước trụ sở Quốc hội nằm ở phía Tây thủ đô Seoul, sáng 10/5/2022. (Ảnh: Yonhap) 

Sáng 10/5, lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã diễn ra trang trọng tại quảng trường trước trụ sở Quốc hội nằm ở phía Tây thủ đô Seoul. Đây là sự kiện quy mô lớn nhất được tổ chức tại thủ đô Seoul sau khi Hàn Quốc bãi bỏ các quy định giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19.

Trong diễn văn nhậm chức, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã nêu ra những thách thức mà Hàn Quốc và thế giới đang phải đối mặt như đại dịch COVID-19, khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, biến đổi khí hậu… Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng đang gây ra sự tàn phá trên toàn thế giới; xung đột vũ trang và chiến tranh là những cuộc khủng hoảng phức tạp mà không một quốc gia hay một nhóm quốc gia nào có thể tự giải quyết được. Trong khi đó, ở trong nước, Hàn Quốc đang có tốc độ tăng trưởng thấp kỷ lục và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, sự phân cực giàu nghèo trong xã hội và mâu thuẫn trong nội tại xã hội ngày càng trở nên gay gắt. 

Tổng thống Yoon Suk-yeol cam kết xây dựng đất nước Hàn Quốc phát triển thịnh vượng trên nền tảng dân chủ tự do và nền kinh tế thị trường. Ông Yoon nhận định rằng những chia rẽ và xung đột sâu sắc trong xã hội Hàn Quốc đang cản trở và làm giảm tiềm năng phát triển của đất nước. Tuy nhiên, ông khẳng định chính phủ mới sẽ ưu tiên cho đoàn kết toàn dân, dẫn dắt đất nước vượt qua các khủng hoảng đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tân Tổng thống Hàn Quốc đặt mục tiêu phải thực hiện các bước nhảy vọt thông qua khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Tân Tổng thống Hàn Quốc cũng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của giá trị của tự do và hòa bình bền vững, đồng thời đề cao vai trò của việc tiến hành đối thoại với Triều Tiên để giải quyết một cách hòa bình “các mối đe dọa” do nước này gây ra. Tân Tổng thống Hàn Quốc đã đưa ra đề xuất vực dậy nền kinh tế Triều Tiên bằng "kế hoạch táo bạo" và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân miền Bắc nếu nước này thực hiện các bước trong tiến trình phi hạt nhân hóa. 

Nga kỷ niệm 77 năm Ngày chiến thắng phát xít

L
Lễ duyệt binh kỷ niệm 77 năm Ngày chiến thắng phát xít được tổ chức tại Quảng trường Đỏ, thủ đô Moskva sáng 9/5. (Ảnh: Reuters) 

Ngày 9/5, cuộc duyệt binh kỷ niệm 77 năm Chiến thắng phát xít (1945-2022) diễn ra trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga vào lúc 10h00 sáng giờ địa phương, tức 14h00 theo giờ Việt Nam.

Năm nay, lễ kỷ niệm 77 năm Ngày chiến thắng phát xít được tổ chức trọng thể tại gần 30 thành phố của Nga, trong đó tâm điểm là cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva.

Theo cơ quan quân sự Nga, hơn 11.000 quân nhân tham gia lễ duyệt binh năm nay. Ngoài ra, 131 phương tiện chiến đấu của các lực lượng tăng-thiết giáp, pháo binh, đặc nhiệm, tên lửa chiến dịch, tên lửa đạn đạo chiến lược cùng 77 máy bay phản lực và trực thăng của Không quân Vũ trụ Nga tham gia diễu hành trên Quảng trường Đỏ.  

Mở đầu chương trình duyệt binh là nghi lễ rước cờ Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và quốc kỳ Liên bang Nga. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu lần lượt đi duyệt các đội hình lực lượng Hải-Lục-Không quân, khối học viên các học viện và nhà trường quân đội. Phần duyệt binh bộ được chia thành 33 đội hình, với hơn 10.000 binh sĩ tham gia, bao gồm đại diện của tất cả lực lượng vũ trang Nga, học sinh các trường quân sự.

Phần diễu hành của đội hình phương tiện cơ giới được dẫn đầu bởi chiếc xe tăng T-34-85. Đây là chiếc xe tăng huyền thoại đã trở thành biểu tượng của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô. Tiếp đó là màn diễu hành của các phương tiện cơ giới, các loại vũ khí hiện đại của quân đội Nga.

Theo kế hoạch, phần diễu binh trên không sẽ có sự tham gia của 77 chiếc máy bay, tượng trưng cho 77 năm Chiến thắng. Năm nay, trong phần diễu binh của các lực lượng Không quân, lần đầu tiên có sự xuất hiện của chiếc máy bay chỉ huy chiến lược trên không IL-80 - với biệt danh “Ngày phán xét” được hộ tống bởi hai máy bay chiến đấu MiG-29. Đây là máy bay đặc biệt được Liên Xô thiết kế để sử dụng trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên theo Hãng tin TASS, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích với báo giới vì lý do thời tiết nên phần duyệt đội hình của không quân Nga bị hủy.

Triều Tiên bị nghi phóng 3 tên lửa đạn đạo

Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 vào ngày 24/3.
(Ảnh: KCNA)

Quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về vùng biển phía Đông của nước này trong ngày 12/5.

Hãng tin Yonhap dẫn thông báo của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) cho biết đã phát hiện vụ phóng được thực hiện từ khu vực Sunan ở Bình Nhưỡng vào lúc 16h29 (theo giờ địa phương).

Vụ phóng mới nhất này là vụ phóng thứ 16 mà Triều Tiên thực hiện trong năm nay bất chấp những đồn đoán cho rằng Bình Nhưỡng có thể giảm bớt các vụ thử vũ khí của mình khi mà nước này thực hiện các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt sau khi chính thức thông báo ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào trước đó cùng ngày.

Trong văn bản gửi báo giới, JSC nói rõ quân đội nước này đang tăng cường giám sát các hoạt động của Triều Tiên, đồng thời phối hợp với Mỹ nhằm duy trì trạng thái sẵn sàng.

Hôm 4/5, Triều Tiên đã phóng một vật thể được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa và 3 ngày sau đó phóng một vật thể được cho là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm./.

https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-chinh-thuc-khai-mac-sea-games-31-610099.html

Theo dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Động lực thúc đẩy sự phát triển của EU

Liên minh châu Âu (EU) vừa nối lại các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Philippines, ký tuyên bố chung về quan hệ Ðối tác chiến lược toàn diện với Ai Cập và khởi động quá trình đàm phán nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ với Thụy Sĩ. Mở rộng mạng lưới thỏa thuận hợp tác với các nước góp...

Châu Phi tăng tốc số hóa

Tốc độ số hóa chậm chạp đang ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại một số nước châu Phi. Theo các chuyên gia, châu lục này cần nắm bắt những tiến bộ mới nhất trong công nghệ kỹ thuật số nhằm thúc đẩy phát triển. Tăng cường chuyển đổi số được coi như “chìa khóa” để khai thác...

Nga: Tổng thống tái đắc cử V. Putin nêu ưu tiên trong nhiệm kỳ mới

Theo hãng tin TASS, phát biểu tại trụ sở chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh đến những ưu tiên trong nhiệm kỳ mới sau khi ông giành được số phiếu ủng hộ cao nhất trong cuộc bầu cử tổng thống nước này.

Tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng rác thải

Sau một năm đàm phán, Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt thỏa thuận hạn chế rác thải bao bì trên toàn khối. Cùng với EU, nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực ngăn chặn những tác hại nghiêm trọng về y tế, môi trường và kinh tế mà núi rác thải khổng lồ có thể gây ra.

Tiếng nói đoàn kết từ Mỹ Latin và Caribe

Thúc đẩy tinh thần đoàn kết, hợp tác để chống đói nghèo và biến đổi khí hậu là trọng tâm chính của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC) vừa diễn ra tại Saint Vincent và Grenadines. Hội nghị là không gian đối thoại quan trọng, giúp củng cố mối quan hệ giữa các...

Nguy cơ khủng hoảng lương thực lan rộng nhiều nơi trên thế giới

Các tổ chức quốc tế cảnh báo khoảng 58,1 triệu người đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng ở vùng Sừng Lớn của châu Phi. Tuy nhiên, nỗi lo mất an ninh lương thực không chỉ hiện hữu ở châu Phi, mà còn là “bóng ma” ám ảnh nhiều nơi trên thế giới.