Doanh nghiệp Lào Cai nỗ lực xây dựng thương hiệu

Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường, việc củng cố niềm tin của người tiêu dùng là rất quan trọng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Lào Cai đang nỗ lực xây dựng thương hiệu và giữ gìn thương hiệu.

Khẳng định trên thương trường

Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa là doanh nghiệp chuyên sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh. Công ty có nhà máy chế biến dược liệu tại Khu Công nghiệp Đông Phố Mới (thành phố Lào Cai) với dây chuyền sản xuất hiện đại, tiên tiến, tạo ra các sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Traphaco Sa Pa như cao atiso, chè túi lọc, chè dây... góp phần nâng cao giá trị dược liệu Lào Cai trên thị trường.

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa cho biết: Để giữ gìn hình ảnh, uy tín, thương hiệu các sản phẩm trên thị trường, bên cạnh việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, yếu tố cốt lõi là đảm bảo chất lượng sản phẩm. Vì vậy, nhiều năm qua, công ty đã liên kết với các hộ tại thị xã Sa Pa và huyện Bắc Hà xây dựng vùng nguyên liệu atiso, chè dây, giảo cổ lam theo quy trình kỹ thuật được quản lý, giám sát chặt chẽ. Người dân tham gia các mô hình liên kết được tạo việc làm, thu nhập ổn định và hưởng lợi từ nhiều hoạt động an sinh xã hội của công ty, góp phần xây dựng hình ảnh một doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng. Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu của công ty vẫn tăng 10%, lợi nhuận tăng 19% so với năm 2020.

Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, Lào Cai có nhiều loại nông sản đặc trưng, từ sự tâm huyết, sáng tạo của các doanh nghiệp, hợp tác xã đã góp phần tạo nên nhiều sản phẩm vươn tầm quốc gia. Cùng với các sản phẩm của Công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa, có thể kể đến tương ớt Mường Khương của Hợp tác xã Hoa Lợi. Nguyên liệu chính tạo ra tương ớt Mường Khương là những quả ớt thóc tươi chín đỏ được bà con trồng trên những vùng núi cao của huyện Mường Khương kết hợp với gia vị tự nhiên. Những nguyên liệu này đã tạo cho tương ớt Mường Khương hương vị đặc trưng, khác biệt với những địa phương khác.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Giám đốc Hợp tác xã Hoa Lợi cho biết: Tạo dựng được thương hiệu đã khó, giữ cho thương hiệu đứng vững trên thị trường càng khó hơn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, hàng giả, hàng nhái xuất hiện nhiều trên thị trường. Bởi vậy, hợp tác xã luôn chú trọng cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn.

Theo báo cáo Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 15 thương hiệu lớn trên tổng số 279 nhãn hiệu được bảo hộ còn thời hạn và bảo hộ chủ yếu cho sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn như mận Bắc Hà, su su Sa Pa, cá nước lạnh Sa Pa, gạo Séng cù Mường Khương, tương ớt Mường Khương, bưởi Múc Bảo Thắng, mật ong Thanh Xuân, trứng vịt Sín Chéng, Traphaco Sa Pa, ARISTO, FANSIPAN LEGEND, Châu Long Sa Pa... Các thương hiệu này được người tiêu dùng biết đến bởi chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, dịch vụ của sản phẩm. Ngoài ra, một số thương hiệu sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh cũng phát triển tốt như miến đao sâm Bát Xát, rượu San Lùng, rượu Sèng cù, DAP LAO CAI, ESACO LAOCAI, APROMACO...

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh

Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn, hạn chế. Một một số chủ sở hữu nhãn hiệu chưa quan tâm, đầu tư công sức phát triển nhãn hiệu sản phẩm, nhận thức còn hạn chế trong việc đưa nhãn hiệu vào sản xuất, kinh doanh ra thị trường. Chủ sở hữu nhãn hiệu chưa quy tụ, vận động, tuyên truyền bà con, thành viên về lợi ích, giá trị của việc việc sử dụng nhãn (tăng giá bán, tăng sức cạnh tranh…) nên nhãn hiệu chưa được sử dụng và khai thác hiệu quả.

Nhãn hiệu sản phẩm được bảo hộ nhưng sản phẩm phát triển manh mún, với số lượng ít nên chưa trở thành hàng hóa chủ lực. Nhiều sản phẩm chưa được quản lý tốt chất lượng, chưa được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và theo đúng quy trình kỹ thuật, chưa có công nghệ chế biến, bảo quản nên chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu không đồng đều và chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, ảnh hưởng đến uy tín nhãn hiệu.

Để góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh, giá trị thương hiệu cho các doanh nghiệp địa phương, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách khuyến công theo từng thời kỳ, hiện tại chính sách được áp dụng theo Nghị quyết số 03 ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh ban hành một số nội dung, mức chi hỗ trợ hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh. Theo chính sách, có 3 nội dung hỗ trợ chính, tập trung phát triển thương hiệu cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, gồm: Chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn (35 triệu đồng/nhãn hiệu). Trong giai đoạn gần đây, hỗ trợ 8 đề án với tổng kinh phí 280 triệu đồng. Chi hỗ trợ 50% chi phí thuê tư vấn, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm, mức hỗ trợ không quá 35 triệu đồng/cơ sở. Thời gian qua, đã hỗ trợ 14 đề án, với tổng kinh phí 490 triệu đồng. Chi tổ chức bình chọn và trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh. Năm 2020, Sở Công Thương đã chủ trì tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp giấy chứng nhận, kỷ niệm chương cùng tiền thưởng cho 10 sản phẩm. Các sản phẩm trên sau đó được gửi tham gia bình chọn cấp khu vực và 3 sản phẩm đoạt giải cấp khu vực, 22 sản phẩm đoạt giải cấp quốc gia.

https://baolaocai.vn/bai-viet/355454-doanh-nghiep-lao-cai-no-luc-xay-dung-thuong-hieu

Theo Mạnh Dũng/LCĐT

Tin Liên Quan

Cảnh báo, ngăn ngừa tình trạng phương tiện Việt Nam bị lưu giữ tại Trung Quốc

Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế ban hành Công văn số 488/BQL -QLCK cảnh báo, ngăn ngừa tình trạng phương tiện Việt Nam bị lưu giữ tại Trung Quốc.

Nhộn nhịp trên công trường thi công vòm thép cầu Phú Thịnh

Những ngày này, gần một trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công cầu Phú Thịnh (TP Lào Cai) đang chạy đua với thời gian, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt vòm thép, phấn đấu hoàn thành đúng dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và Ngày Quốc tế lao động (1/5).

Hội nghị xúc tiến thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc tổ chức tại Lào Cai

Sáng 12/4, tại thành phố Lào Cai, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất - nhập khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

UBND tỉnh làm việc với đại diện Công ty Cổ phần tập đoàn T&T

Chiều 27/3, UBND tỉnh tổ chức cuộc làm việc với đại diện Công ty Cổ phần tập đoàn T&T về các dự án Tập đoàn đang đầu tư, triển khai trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Sáng 19/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án khai thác, chế biến khoáng sản và thủy điện.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh quảng bá rộng rãi và tiêu thụ nông sản hiệu quả.