Giòn thơm cá suối Mường Hum

Tôi về vùng đất Mường Hum tươi đẹp giữa mùa thu vàng óng màu lúa chín trên ruộng bậc thang. Chẳng biết suối Mường Hum có từ bao giờ, nhưng dòng suối ấy như là linh hồn của cả một vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa. Trở lại Mường Hum, tôi được anh bạn là giáo viên ở đây mời thưởng thức món ăn đặc sản từ dòng suối nổi tiếng ấy mà nhớ mãi: Cá suối Mường Hum.
Cá suối là đặc sản của vùng đất Mường Hum.

Người dân Mường Hum vẫn có câu cửa miệng rằng, ai đến Mường Hum chưa được ăn cá suối thì coi như chưa đến đất này. Ý rằng cá suối Mường Hum thơm ngon lắm, là món ăn đại diện cho ẩm thực của cả vùng đất vốn giàu văn hóa bản địa. Lên Mường Hum, nếu du khách được trải nghiệm theo chân người dân ở đây đi bắt cá suối thì không gì thú vị bằng. Ở những đoạn suối nhỏ thắt cổ chai, đám thanh niên chỉ cần xếp đá chặn một đoạn suối, tát nước cạn đi rồi lật những tảng đá lên sẽ bắt được nhiều loại cá suối nhỏ, như cá bống, cá bống đuôi đỏ, cá sứt mũi, cá suối trắng… Đối với đoạn suối sâu, dùng chài hoặc lưới nhỏ có thể bắt được cả cá chép, cá rô, thậm chí có cả cá hoa, có con nặng tới hơn 1 kg. Giờ đây, khi đập thủy điện dâng nước biến đoạn suối qua trung tâm xã thành lòng hồ trong xanh thì một số hộ vẫn đi thuyền nhỏ dùng lưới đánh bắt cá suối ven bờ. Chị Phượng, cán bộ xã Mường Hum chuyên bán các mặt hàng đặc sản ở đây bảo, cá suối Mường Hum giờ không nhiều, nhưng là cá đặc sản ngon nhất vùng, nên dù bán với giá hơn 200 nghìn đồng/kg nhưng nếu không đặt trước cũng khó mua nổi.

Chợ phiên Mường Hum vào Chủ nhật đông vui như hội và rực rỡ sắc màu thổ cẩm, người người chen vai đi chơi chợ, đi mua sắm, đi giao lưu, gặp gỡ nhau. Anh bạn làm giáo viên ở đây kéo tôi vào quán nhỏ trong chợ có view nhìn ra dòng suối Mường Hum trong xanh thưởng thức những món ăn ở đây. Cô chủ quán người Giáy nước da trắng hồng, nụ cười tươi như hoa, bỏ ra mớ cá suối tươi rói giới thiệu với khách rồi làm sạch, cho ào vào chảo dầu sôi sùng sục trên bếp than hồng. Chẳng mấy chốc, đĩa cá suối vàng rộm đã bày ra trên mâm. “Chuẩn cá suối tự nhiên ở Mường Hum thì phải có nhiều loại, con to, con nhỏ, chứ cá đều nhau tăm tắp thì là cá hồ, hoặc cá nuôi ở nơi khác mang về anh ạ”, cô chủ quán “bật mí” với chúng tôi, không quên gắp cá vào từng bát và rót chén rượu thóc thơm nồng mời khách.

Tôi thử một con cá nhỏ cỡ ngón tay. Cá chấm nước mắm ớt thêm gừng, tỏi cay xè, cho vào miệng nhai giòn tan, vị thơm ngọt lan tỏa trong miệng, ngon khó cưỡng. Cùng với cá suối chiên giòn, chủ quán còn khéo tay chế biến cho chúng tôi đĩa cá suối kho tiêu ăn mềm cả xương, đậm đà hương vị và bát cá suối nấu măng chua. Ôi cái vị cá ngọt quyện với vị chua chua, thanh thanh của măng trúc khiến người ta cứ muốn ăn mãi mà không chán. Anh bạn tôi bảo lần sau lên Mường Hum chơi lâu hơn sẽ đưa đi thưởng thức món cá suối Mường Hum nướng bên bờ suối hoặc cá suối kẹp sấy có vị khói ngon ít nơi có được. Chỉ con cá suối Mường Hum nhỏ bé thế thôi sao có thể chế biến được nhiều món ăn thơm ngon đến vậy. Tôi chia tay Mường Hum mà vẫn ngẩn ngơ nhớ mãi dòng suối xanh trong và những món ăn từ cá suối vừa tinh túy lại đậm đà hương vị đồng quê nơi vùng đất này.

https://baolaocai.vn/bai-viet/346602-gion-thom-ca-suoi-muong-hum

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Thực hiện quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu tại huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa

Đó là mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Lào Cai.

Bánh chưng cốm của người Thái

Vùng đất Thẳm Dương (Văn Bàn) không chỉ nổi tiếng với giống nếp đệ nhất “nữ hoàng” Khảu Tan Đón, còn có món bánh chưng cốm đang được cấp ủy, chính quyền cùng đồng bào dân tộc Thái nơi đây xây dựng trở thành thương hiệu riêng.

Làng làm bánh chưng Ún Tà vào tết

Đến làng Ún Tà, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) những ngày tháng Chạp. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe tiếng máy cắt ống cây nứa, tiếng lách cách chẻ ống lam, đặc biệt là mùi gạo nếp thơm nức của những mẻ bánh chưng vừa luộc sẵn sàng phục vụ khách hàng chuẩn bị đón tết.

Dúa chỏ - Món quà vặt của vùng cao

Cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 10 km, xã Hoàng Thu Phố có 5 thôn, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quần thể cây chè di sản và bất cứ du khách nào đến Hoàng Thu Phố cũng được người dân mời thưởng thức món “dúa chỏ” (bánh nếp đường)...

Tạo sự đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu

Việc mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát...

Bản Hồ mùa cốm mới

Khi tiết thu se lạnh, những ruộng lúa nếp bắt đầu chắc hạt, người dân xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) háo hức bước vào vụ cốm mới. Những hạt cốm màu xanh ngọc, dẻo thơm càng cuốn hút du khách đến với vùng đất này.