Gương sáng làm kinh tế giỏi trong đồng bào người Giáy ở Lào Cai

Dẫn chúng tôi trên con đường bê tông liên thôn, Bà Lê Thị Thu, Chủ tịch Hội nông dân xã Cốc San, huyện Bát Xát chia sẻ với chúng tôi với niềm tự hào: “Ở thôn Luổng Đơ chủ yếu là người dân tộc Giáy sinh sống, hầu như nhà nào cũng có ao thả cá làm giàu, có của ăn, của để và xây được những ngôi nhà khang trang thế này, đều nhờ cả vào nuôi giống cá chép của nhà bà Hoàng Thị Chắp và ông Hoàng Xuân Phú”.

Hoàng Thị Chắp chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá cho các hộ gia đình.

Chỉ vào một khu ao cá rộng lớn, Bà Thu giới thiệu với chúng tôi diện tích sản xuất cá giống của gia đình bà Chắp với diện tích khoảng 17ha, chủ yếu sản xuất giống cá chép lai và nuôi ương giống cá rô, mè, trắm... Ngay từ đầu giờ sáng, tại đây đang có 3-4 thương lái đến lựa chọn con giống, mua bán rôm rả. Chờ cho việc giao bán xong, chúng tôi mới trò chuyện cùng “bà chủ ao” vốn có tính cách xởi lởi, nồng hậu này.

Gia đình bà Chắp có mấy chục năm làm nghề nuôi cá từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Gia đình bà đã nhận thầu lại khu ruộng khoán do kém hiệu quả và xin phép địa phương cải tạo thành ao nuôi cá. Với niềm say mê và quyết tâm làm giàu,  bà làm đơn xin vay 5 triệu tại Ngân hàng huyện Bát Xát, rồi vay thêm bạn bè, người thân để có đồng vốn thuê người đào, đắp ao và mua con giống. Trong thời gian đầu, bà đi khắp các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội để nhập cá về bán lại cho người dân trong tỉnh và học hỏi thêm về kỹ thuật và cách chăn nuôi con cá giống. Thấy nhà bà Chắp nuôi cá thành công, dần dần các hộ dân trong thôn cũng cải tạo ruộng trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang đào ao nuôi cá.

Ngoài vốn kiến thức, kinh nghiệm nuôi cá có được từ việc học các chủ chăn nuôi lớn ở các tỉnh bạn, vợ chồng bà còn thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tích cực tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm với chủ các mô hình nuôi cá giống có hiệu quả. Đến nay, gia đình bà Chắp có 17 ha diện tích ao nuôi và làm cá chép giống, đây cũng là giống cá do gia đình bà lai tạo thành công từ giống cá chép Trung Quốc và cá chép sông Hồng. Theo bà Chắp, để có được giống cá chép tốt như ngày hôm nay, vợ chồng bà mất cả chục năm trời nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và hầu hết thời gian trong ngày là giành cho cá, không xểnh ra là mất trắng... Riêng về giống cá Chép do nhà bà sản xuất ra có khả năng kháng bệnh cao, thời gian sinh trưởng ngắn, thân hình trường hơn các giống cá của các đơn vị khác bán trên thị trường. Chính vì thế, giống sản xuất ra đến đâu là hết đến đó. Nhà tôi không chỉ xuất bán trong tỉnh mà rất nhiều chủ ao nuôi từ các tỉnh phía Bắc tìm đến mua.  

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá giống của mình, bà Chắp cho biết: “Cá giống là loại cá nhỏ, dễ chết, nên quá trình nuôi ương, thâm canh, vận chuyển khi mang đi tiêu thụ đều phải có kỹ thuật. Để đảm bảo chất lượng con giống và năng suất, cần phải cải tạo ao, thường xuyên thay nước, vệ sinh ao nuôi theo định kỳ, cho cá ăn đúng giờ, bảo đảm lượng thức ăn. Sau mỗi lứa thu hoạch cá giống cần tháo hết nước trong ao rồi rắc vôi bột khử trùng, hoặc xử lý ao nuôi trước khi thả cá bằng các chế phẩm sinh học. Bờ ao phải được gia cố chắc chắn, tránh để rò rỉ, cá thoát ra ngoài. Cá giống phải khỏe mạnh, không xây xát, không bị dịch bệnh, bảo đảm tỷ lệ sống cao mới có thể xuất bán được”.  

Năm nay việc nuôi cá giống thời tiết tốt, điều kiện ao, hồ được cải tạo thường xuyên nên cá khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao, cá bán được giá và rất được khách hàng tín nhiệm - bà cho biết thêm. Hàng năm, bà Chắp vẫn tạo điều kiện hỗ trợ bán cá giống trả chậm cho vài chục hộ chăn nuôi trong tỉnh, hướng dẫn kỹ thuật xuống giống và chăm nuôi cá. Và đặc biệt, bà còn giúp đỡ con giống cho các hộ gặp khó khăn. Theo bà, điều quan trọng nhất để có được thành công đó là: “Ngoài việc nắm chắc kỹ thuật, nguồn nước và điều kiện thời tiết thuận lợi thì người làm nghề này phải đặt “chữ tâm” lên hàng đầu để giúp mọi người có con giống chất lượng cao, giá cả phải chăng, từ đó mọi người sẽ ủng hộ mình nhiều hơn.

Thu hoạch cá Chép.

Nhiều năm nay, gia đình bà Chắp đã có thu nhập cao từ nghề sản xuất và kinh doanh cá giống. Năm 2020 vừa qua, doanh thu của gia đình anh đạt trên 2 tỷ đồng, trừ chi phí cũng đem lại thu nhập cho gia đình từ 400-500 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho từ 6 đến 7 lao động địa phương với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Lào Cai cho biết: Gia đình bà Chắp là gương điển hình trong làm kinh tế giỏi của đồng bào người Giáy. Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” gia đình bà Chắp đã hiến 2.000 m đất làm đường giao thông nông thôn, ủng hộ tiền mặt 50 triệu đồng và nhiều ngày công lao động. Bà luôn giúp đỡ những hộ trong thôn, xã có hoàn cảnh khó khăn về vốn, con giống, kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện cho họ phát triển sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Bà Hoàng Thị Chắp với mô hình nuôi cá giống đã đạt Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp trong nhiều năm liền. Năm 2016, gia đình bà đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020. Với niềm vinh dự đó, gia đình bà Hoàng Thị Chắp là tấm gương tiêu biểu tạo thêm động lực, khích lệ bà con người Giáy nơi đây cùng nhau xây dựng kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương./.

Hải Quỳnh

Tin Liên Quan

Đảng viên trẻ xây dựng cáp treo nơi cao nhất Phìn Ngan

Lan tỏa tinh thần thi đua lao động, sáng tạo

Với chủ đề “Đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - hành động - phát triển”, phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và bảo đảm quốc phòng - an ninh đã được triển khai ở khắp các cơ quan, đơn vị, địa phương, từ đó nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt, tập...

Phụ nữ xã Thẳm Dương nâng cao thu nhập với mô hình cốm “Khảu Tan Đón”

Thực hiện Dự án 8 về “thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Hội Phụ nữ xã Thẳm Dương (huyện Văn Bàn) đã xây dựng mô hình Tổ liên kết sản xuất cốm “Khảu Tan Đón” do phụ nữ làm chủ. Sau...

Lào Cai có 1 tập thể và 1 cá nhân được tôn vinh tại Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” lần thứ 11

Trong chuỗi hoạt động của Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” lần thứ 11, tối 13/10, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức Lễ tôn vinh 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 và 63 hợp tác xã tiêu biểu.

Nữ nông dân Sa Pa ''biến'' rau gia vị quen thuộc thành ''vàng'' xuất khẩu

Chị Trần Anh Xuân (SN 1990, ở thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã biến cây tía tô từ một loại gia vị quen thuộc hàng ngày thành các sản phẩm tinh dầu, trà... được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Chi bộ Khe Thượng Làng Mới làm nhiều việc tốt

Thời gian qua, cán bộ và Nhân dân thôn Khe Thượng Làng Mới, xã Cốc Lầu đã phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực lao động, sản xuất, tham gia xây dựng nông thôn mới, trở thành điểm sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Bắc Hà.