Quan hệ đối ngoại góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Thực hiện theo chủ trương, đường lối của Đảng về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã không ngừng nỗ lực, chủ động, tích cực xây dựng và thúc đẩy quan hệ đối ngoại phát triển. Kết quả là việc hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường. Quan hệ đối ngoại của tỉnh Lào Cai được củng cố và phát triển, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, quan hệ đối ngoại vừa là tiền đề, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua các mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế, điển hình là quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Lào Cai đã chủ động tạo lập, nắm bắt và tận dụng được nhiều cơ hội để phát triển nền kinh tế đa dạng, năng động và phát triển xã hội một cách toàn diện, bền vững. Vai trò của quan hệ đối ngoại được thể hiện qua một số nội dung sau:

Thứ nhất, quan hệ đối ngoại sâu rộng giúp Lào Cai phát huy tối đa lợi thế từ vị trí kinh tế, chính trị để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, là trung tâm của hành lang kinh tế Bắc - Nam trong hợp tác các nước tiểu vùng sông Mê Kông và có cửa khẩu quốc tế Lào Cai nối với Trung Quốc. Lào Cai - với vai trò là "cửa ngõ" đã và đang trở thành địa bàn quan trọng, là điểm trung chuyển hàng hóa lớn trong hoạt động giao thương giữa Việt Nam, các nước ASEAN với vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc. Đặc biệt, nhờ mối quan hệ hợp tác toàn diện, hữu nghị và bền chặt với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), hoạt động giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế cửa khẩu tại tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2019, mức tăng kim ngạch 2 chiều đạt bình quân 22,5%/năm; riêng năm 2019, tổng kim ngạch thông quan hàng hóa giữa 2 tỉnh đạt 3,7 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm 2018. Hiện nay, Tiểu ban công tác cửa khẩu tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Văn phòng hợp tác cửa khẩu tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đang tích cực phối hợp, thống nhất phương án xây dựng mô hình “cửa khẩu kiểu mẫu” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) để báo cáo cơ quan cấp trên phê chuẩn, sớm triển khai trên thực tế. Việc áp dụng mô hình "cửa khẩu kiểu mẫu" sẽ tiếp tục là tiền đề và động lực để phát triển kinh tế cửa khẩu Lào Cai trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Lào Cai với địa phương giáp ranh là tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã và đang góp phần thúc đẩy cho hoạt động xúc tiến thương mại và các hoạt động kinh tế qua biên giới phát triển. Hội chợ Thương mại biên giới Việt – Trung được tổ chức luân phiên hàng năm tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) và huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam) là cơ hội cho hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia được giao lưu, gặp gỡ, quảng bá các sản phẩm thế mạnh, tìm kiếm cơ hội hợp tác và tổ chức ký kết nhiều hợp đồng kinh tế có giá trị lớn. Quan hệ đối ngoại sâu rộng, một lần nữa đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc phát huy lợi thế vị trí kinh tế, chính trị để tìm kiếm và tận dụng cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Hội đồng vùng Nouvelle - Aquitaine (Cộng hòa Pháp)

Thứ hai, quan hệ đối ngoại đã có nhiều đóng góp thiết thực vào việc tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần đưa tỉnh Lào Cai trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, Lào Cai đã chú trọng thúc đẩy hợp tác với một số địa phương nước ngoài theo hướng chủ động, hài hòa, như hợp tác với tỉnh Brest (Cộng hòa Belarus), hợp tác với vùng Nouvelle Aquitaine và Thành phố Cergy (Cộng hòa Pháp)… Việc tăng cường hợp tác giúp củng cố vị thế của tỉnh đối với bạn bè quốc tế, quảng bá hình ảnh địa phương là một điểm đến tiềm năng và có môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn. Bên cạnh đó, Lào Cai còn duy trì và nâng tầm hợp tác với các tổ chức, định chế tài chính lớn như: Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA). Tăng cường hợp tác với Đại sứ quán các nước tại Việt Nam để làm cầu nối thúc đẩy hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác. 

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Xuân Phong tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel Nadav Eshcar

Thông qua các chương trình hợp tác, tỉnh Lào Cai đã từng bước xây dựng chiến lược về quan hệ kinh tế với các vùng, lãnh thổ, các định chế tài chính, đối tác nước ngoài nhằm đảm bảo môi trường xã hội ổn định, đảm bảo các lợi ích kinh tế, tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển. Tính riêng từ năm 2013 đến hết năm 2019, có 12 tổ chức, định chế tài chính quốc tế cam kết tài trợ vốn ODA cho tỉnh Lào Cai đảm bảo thực hiện 27 dự án với tổng vốn đầu tư 10.388 tỷ đồng. Riêng năm 2020 có 14 chương trình, dự án ODA được giao vốn triển khai với tổng nguồn giải ngân theo kế hoạch là 1.283 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn nước ngoài là 1.015 tỷ đồng và vốn đối ứng trong nước 268 tỷ đồng.

Việc sử dụng nguồn vốn ODA và việc triển khai giải ngân các dự án thu hút đầu tư đã đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh, giúp giải quyết nhiều vấn đề xã hội như vấn đề việc làm, y tế, giáo dục,... và góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Như vậy, có thể nói, quan hệ đối ngoại vừa là động lực, vừa là cầu nối quan trọng để tỉnh Lào Cai có thể tiếp cận và tận dụng tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, công tác đối ngoại được đẩy mạnh đã tạo môi trường quốc tế thuận lợi, hòa bình, giàu tiềm năng để thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác của tỉnh. Thời gian qua, việc thực hiện và vận dụng tốt đường lối, chính sách ngoại giao của Đảng, Nhà nước và của địa phương, tỉnh Lào Cai đã không ngừng xây dựng và phát triển các mối quan hệ hữu nghị, tốt đẹp với các địa phương nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Thông qua các mối quan hệ hợp tác đó, hình ảnh một Lào Cai năng động, giàu bản sắc, nhiều địa điểm du lịch ấn tượng, môi trường đầu tư lành mạnh và tiềm năng,… đã được tỉnh Lào Cai quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế. Đây là động lực to lớn để phát triển các ngành du lịch, dịch vụ, công nghệ tiên tiến và đặc biệt là phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Bên cạnh đó, các mối quan hệ đối ngoại cũng giúp mở ra nhiều cơ hội để tỉnh Lào Cai giao lưu, hợp tác với nước ngoài trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn lao động chất lượng cao, phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc bền vững.

Thực tế cho thấy, quan hệ đối ngoại tích cực và hiệu quả trong thời gian qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai nói riêng và của cả nước nói chung. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với tình hình diễn biến khu vực và thế giới phức tạp, nhiều biến động, tỉnh Lào Cai luôn đề cao công tác đối ngoại, tiếp tục xác định việc xây dựng, duy trì quan hệ đối ngoại hiệu quả, bền vững là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, định hướng phát triển quan hệ đối ngoại của tỉnh Lào Cai trong thời gian tới được xác định:

Một là, xây dựng quan hệ đối ngoại toàn diện, gắn kết chặt chẽ ba trụ cột ngoại giao, đó là chính trị - kinh tế - văn hóa để nỗ lực đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

Hai là, tận dụng vị trí địa lý “cửa ngõ” để tiếp tục chủ động tiếp cận có chọn lọc, xây dựng và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương nước ngoài, tổ chức khu vực và quốc tế, các trung tâm kinh tế, công nghệ của thế giới, qua đó góp phần nối liền sản xuất và trao đổi kinh tế tại địa phương với sản xuất, trao đổi quốc tế, nối liền thị trường trong nước với thị trường nước ngoài nhằm phục vụ cho giao thương phát triển.

Ba là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế có chiều sâu nhằm tạo lập và tận dụng cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA), chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm xây dựng và quản lý nền kinh tế hiện đại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh.

Bốn là, tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, thúc đẩy quan hệ đối ngoại để quảng bá hình ảnh địa phương, làm tiền đề cho sự phát triển các ngành kinh tế thế mạnh, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh Lào Cai trên trường quốc tế.

Phát huy những thành tựu trong quan hệ đối ngoại thời gian vừa qua, tỉnh Lào Cai tự tin sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, tiếp tục góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới./.

 

Đặng Xuân Phong - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

Tin Liên Quan

Sự kiện “Tuần Văn hoá – Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Từ ngày 27/4 - 3/5, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức “Tuần Văn hóa - Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024.

Phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1005/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu: Quân và dân Khu Tây Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Tây Bắc là địa bàn chiến lược cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng an ninh. Nhân dân Tây Bắc có truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường. Khu Tây Bắc được thành lập ngày 17/7/1952, gồm bốn tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, với diện tích 44.300 km2, dân số 440 nghìn người.

Thủ tướng dự gặp mặt, tri ân những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Sáng 17/4, tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự cuộc gặp mặt, tri ân đầy ý nghĩa và xúc động với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Bài học đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại lịch sử, tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân cả nước; biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; đồng...

Viettel khai trương Trung tâm dữ liệu có công suất tiêu thụ điện 30MW

Đây là Trung tâm dữ liệu (DC) thứ 14 của Viettel và là DC đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế công suất cao, với 60.000 máy chủ, 2.400 rack, 21.000m2 mặt sàn, tổng công suất điện 30MW.