Những kết quả nổi bật từ các Hiệp định thương mại tự do

Chiều 23/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trình bày báo cáo về "việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên" tại buổi làm việc của Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo về "việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên"

Xuất siêu sang các nước CPTPP 1,6 tỷ USD

Ngay sau khi Hiệp định Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam (30/12/2018), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/1/2019 về Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP với các nhóm nhiệm vụ cụ thể và lộ trình thực hiện. Cho đến nay, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành 15 văn bản pháp luật để thực thi Hiệp định CPTPP, bao gồm: 2 luật, 3 nghị định, 9 thông tư, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chỉnh phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục tiến hành rà soát các văn bản pháp luật hiện hành hoặc ban hành mới để bảo đảm sự tương thích với Hiệp định CPTPP.

Báo cáo về kết quả kinh tế - thương mại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu từ 10 nước CPTPP đạt 37,9 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2018.

“Như vậy, trong năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP là 1,6 tỷ USD trong khi năm 2018 Việt Nam nhập siêu từ các nước CPTPP là 0,9 tỷ USD”, Bộ trưởng nhận định.

Nếu chỉ tính kim ngạch xuất nhập khẩu sang 2 thị trường mới chưa có FTA là Canada và Mexico thì trong năm 2019 Việt Nam xuất siêu hơn 5 tỷ USD, tương đương 50% tổng giá trị xuất siêu của Việt Nam. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đây cũng chính là hai đối tác có quan hệ FTA mới. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada tăng 29,8%, Mexico tăng 26,3%. Trong 6 nước đối tác, xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng xuất khẩu của Việt Nam (chiếm 8,4%), xếp thứ hai là Canada (1,6%).

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đánh giá, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp. Trong đó, cao nhất là tại Nhật Bản (chiếm 2,8%) và thấp nhất là Mexico (chiếm 0,6%). Do vậy, còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng xuất khẩu, nâng cao thị phần tại thị trường các đối tác này.

Trong năm 2019, Việt Nam đã cấp 21.163 C/O mẫu CPTPP cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước thuộc hiệp định với tổng giá trị hàng hóa gần 600 triệu USD. Trong đó, Canada và Mexico là hai thị trường mới có FTA với Việt Nam có tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP cao nhất trong số các nước thành viên.

Thêm vào đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, việc thực thi các cam kết CPTPP đã giúp hoàn thiện khung khổ pháp lý trong nhiều lĩnh vực. Đơn cử như về môi trường, Việt Nam đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường có tính đến các yêu cầu của công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

Về lao động, để thực thi cam kết CPTPP, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động 2019 đảm bảo tính tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế; xây dựng hồ sơ trình phê chuẩn 2 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) là Công ước số 98 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước số 105 về “xóa bỏ lao động cưỡng bức” và đã được Quốc hội phê chuẩn.

Về sở hữu trí tuệ, năm 2019, Chính phủ đã hoàn tất các thủ tục để Việt Nam gia nhập Thỏa ước Lahay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Tiếp đó, ngày 14/6/2019, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật số 42/2019/QH14 bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thực thi cam kết về các lĩnh vực này trong Hiệp định CPTPP.

Về mua sắm của Chính phủ và thương mại điện tử, cho đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các lĩnh vực này bao gồm Nghị định hướng dẫn riêng về các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP và chỉ dành cho các nước CPTPP. Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để chuẩn bị ban hành. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, do các văn bản bản quy phạm pháp luật này chưa ban hành và có hiệu lực nên hiện ta chưa đánh giá kết quả thực hiện đối với các lĩnh vực này.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Hiệp định EVFTA mới đi vào thực thi trong một khoảng thời gian ngắn nhưng đã thu được những kết quả hết sức tích cực và khả quan.

277 triệu USD hàng hoá đi 28 nước EU sau 1,5 tháng EVFTA có hiệu lực

Ngay sau ngày Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (1/8/2020), ngày 6/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA.

Sau hơn một tháng rưỡi thực thi Hiệp định EVFTA, Chính phủ, các bộ, ngành đã khẩn trương ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật thực thi các cam kết của Hiệp định EVFTA với 1 nghị định, 2 quyết định và 1 thông tư. Gồm: Nghị định số 103/2020/NĐ-CP ngày 4/9/2020 quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU; Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 6/8/2020 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Chính phủ; Quyết định số 1175/QĐ-TTg ngày 4/8/2020 về việc chỉ định cơ quan đầu mối thực thi Hiệp định EVFTA và Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA.

Về kết quả thương mại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, “Hiệp định EVFTA mới đi vào thực thi trong một khoảng thời gian ngắn nhưng đã thu được những kết quả hết sức tích cực và khả quan”.

Theo đó, trong 1 tháng kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU.

Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm từ nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,… Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Vương quốc Anh. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi từ Hiệp định này.  

“Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định quan trọng này, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định, đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để bảo đảm phù hợp với Hiệp định EVFTA,  trong thời gian tới, trên cơ sở các kiến nghị và giải pháp đã trình bày đối với Hiệp định CPTPP nêu trên”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Theo Phan Trang/baochinhphu.vn (http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Nhung-ket-qua-noi-bat-tu-cac-Hiep-dinh-thuong-mai-tu-do/408405.vgp)

Tin Liên Quan

Bảo tàng lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử

Bảo tàng lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ được khánh thành năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Khu vực tham quan của bảo tàng bao gồm tầng trệt và tầng nổi; tầng nổi là Nhà trưng bày, đang trưng bày gần 1.000 hiện vật và hình ảnh cùng với những cảnh quan, cảnh tượng...

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong dịp Lễ 30/4, 01/5 và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng, duy trì hoạt động ổn định các hệ thống thông tin trong thời gian diễn ra những ngày lễ lớn như Kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Ngày Quốc tế lao động 01/5 và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các...

Sự kiện “Tuần Văn hoá – Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Từ ngày 27/4 - 3/5, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức “Tuần Văn hóa - Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024.

Phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1005/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu: Quân và dân Khu Tây Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Tây Bắc là địa bàn chiến lược cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng an ninh. Nhân dân Tây Bắc có truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường. Khu Tây Bắc được thành lập ngày 17/7/1952, gồm bốn tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, với diện tích 44.300 km2, dân số 440 nghìn người.

Thủ tướng dự gặp mặt, tri ân những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Sáng 17/4, tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự cuộc gặp mặt, tri ân đầy ý nghĩa và xúc động với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.