Hàn Quốc ưu tiên chống dịch và phục hồi kinh tế

Hôm nay đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc Covid-19 được ghi nhận theo ngày tại Hàn Quốc ở mức dưới 300 ca. Tuy nhiên, giới chức y tế Hàn Quốc vẫn cảnh báo nước này đang bên bờ vực một đại dịch lan rộng toàn quốc do các ca lây nhiễm liên quan đến một nhà thờ tiếp tục xuất hiện và số ca bệnh không rõ quá trình lây nhiễm đang gia tăng.

Người dân tại Seoul phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. (Ảnh: Yonhap)

Cân nhắc ban bố biện pháp khống chế dịch nghiêm ngặt nhất

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 25-8 cho biết, trong 24 giờ qua, Hàn Quốc đã ghi nhận 280 ca mắc mới, trong đó có 264 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong các ca lây nhiễm trong cộng đồng, Seoul ghi nhận 134 ca, tỉnh Gyeonggi lân cận ghi nhận 63 ca. Nhiều thành phố lớn của nước này cũng ghi nhận nhiều ca mắc mới. TP Incheon ở phía tây Seoul ghi nhận 13 ca, Daejeon nằm ở vị trí trung tâm đất nước có thêm 10 ca. Trong hai tuần qua, có khoảng 18,5% số ca mới không rõ nguồn lây bệnh, đánh dấu mức tăng đáng kể so với tỷ lệ 8,3% của hai tuần trước đó. 

Các nhà chức trách y tế Hàn Quốc cho rằng, nước này có thể phải áp đặt mức độ giãn cách xã hội cao nhất nếu số ca nhiễm mới không giảm trong tuần này. Hàn Quốc đã quyết định triển khai kế hoạch giãn cách xã hội cấp độ 2 tại tất cả các vùng trong cả nước, bắt đầu từ ngày 24-8. Theo đó, tất cả các cuộc tụ tập hơn 50 người trong nhà và hơn 100 người ngoài trời đều bị cấm. Những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao như phòng karaoke, hộp đêm,... cũng phải đóng cửa. Nếu nhà chức trách nâng các biện pháp hạn chế hiện nay lên mức cao nhất thì các cuộc tụ tập từ 10 người trở lên cũng sẽ bị cấm.

Chính quyền Seoul vừa yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi có mặt tại nơi công cộng, trừ lúc ăn hoặc uống. Ngoài ra, người không đeo khẩu trang sẽ không được phép sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Các hãng taxi phải từ chối phục vụ khách hàng không đeo khẩu trang. 

Ngoài ra, từ ngày 26-8, tất cả các trường học tại vùng thủ đô Seoul sẽ tổ chức học trực tuyến cho đến ngày 11-9. Khoảng 2.100 trường học tại Hàn Quốc đã đóng cửa từ ngày 25-8. 

Do các biện pháp nghiêm ngặt hơn có thể khiến nền kinh tế suy giảm hơn nữa cho nên Hàn Quốc có kế hoạch tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh trong tuần này trước khi quyết định nâng cấp độ giãn cách xã hội lên mức cao nhất.

Dập dịch và khôi phục kinh tế là hai mục tiêu song song

Tổng thống Moon Jae-in hôm nay bày tỏ quan ngại về những tác động về kinh tế khi số ca bệnh trên cả nước tăng mạnh trong thời gian gần đây. Ông kêu gọi toàn bộ chính quyền ứng phó khẩn cấp đối với sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 và tác động của dịch bệnh này đối với nền kinh tế. Ông Moon chỉ thị Chính phủ Hàn Quốc “tập trung các nỗ lực làm ổn định việc làm, giảm thiệt hại về kinh tế xuống mức thấp nhất và xây dựng các biện pháp phục hồi kinh tế”. 

1 -0
Tổng thống Moon Jae-in chủ trì cuộc họp của Nội các Hàn Quốc ngày 25-8. (Ảnh: Yonhap) 

Ông cho rằng, chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19 và khôi phục kinh tế là hai mục tiêu mà Hàn Quốc phải đạt được cùng một lúc. Ông lưu ý, tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh là “con đường tắt” dẫn đến phục hồi kinh tế cũng như bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân.

Tổng thống Hàn Quốc một lần nữa dẫn lại đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, về việc triển khai biện pháp kinh tế nhằm ứng phó đại dịch, đến nay Hàn Quốc đã làm tốt hơn nhiều nước khác trong tổ chức này. Tổng thống Moon bày tỏ tin tưởng Hàn Quốc sẽ dẫn đầu các nước phát triển trong nỗ lực phục hồi kinh tế hậu Covid-19 và đặt mục tiêu kinh tế tăng trưởng trở lại bắt đầu từ quý III-2020. 

Theo báo cáo gần đây, OECD ước tính GDP của Hàn Quốc trong năm 2020 sẽ giảm 0,8%, thấp hơn so mức trung bình của tổ chức này (7,5%).

Tính đến ngày 25-8, Hàn Quốc ghi nhận 17.945 ca mắc Covid-19, trong đó 310 người đã tử vong. Hơn 97% người bệnh Covid-19 có các bệnh nền như huyết áp cao và tiểu đường. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại nước này là 1,73%. Người bệnh từ 80 tuổi trở lên chiếm gần 50% số trường hợp tử vong tại nước này, trong khi người bệnh từ 70 tuổi và 60 tuổi trở lên chiếm lần lượt 30% và 13,2%. Hơn 50% nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các cơ sở. Gần 80% người bệnh đã khỏi bệnh. Kể từ ngày 3-1 đến nay, Hàn Quốc đã tiến hành 1.825.837 xét nghiệm Covid-19.

https://nhandan.org.vn/tin-tuc-the-gioi/han-quoc-uu-tien-chong-dich-va-phuc-hoi-kinh-te-614276/

Theo Báo Nhân dân

Tin Liên Quan

Động lực thúc đẩy sự phát triển của EU

Liên minh châu Âu (EU) vừa nối lại các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Philippines, ký tuyên bố chung về quan hệ Ðối tác chiến lược toàn diện với Ai Cập và khởi động quá trình đàm phán nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ với Thụy Sĩ. Mở rộng mạng lưới thỏa thuận hợp tác với các nước góp...

Châu Phi tăng tốc số hóa

Tốc độ số hóa chậm chạp đang ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại một số nước châu Phi. Theo các chuyên gia, châu lục này cần nắm bắt những tiến bộ mới nhất trong công nghệ kỹ thuật số nhằm thúc đẩy phát triển. Tăng cường chuyển đổi số được coi như “chìa khóa” để khai thác...

Nga: Tổng thống tái đắc cử V. Putin nêu ưu tiên trong nhiệm kỳ mới

Theo hãng tin TASS, phát biểu tại trụ sở chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh đến những ưu tiên trong nhiệm kỳ mới sau khi ông giành được số phiếu ủng hộ cao nhất trong cuộc bầu cử tổng thống nước này.

Tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng rác thải

Sau một năm đàm phán, Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt thỏa thuận hạn chế rác thải bao bì trên toàn khối. Cùng với EU, nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực ngăn chặn những tác hại nghiêm trọng về y tế, môi trường và kinh tế mà núi rác thải khổng lồ có thể gây ra.

Tiếng nói đoàn kết từ Mỹ Latin và Caribe

Thúc đẩy tinh thần đoàn kết, hợp tác để chống đói nghèo và biến đổi khí hậu là trọng tâm chính của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC) vừa diễn ra tại Saint Vincent và Grenadines. Hội nghị là không gian đối thoại quan trọng, giúp củng cố mối quan hệ giữa các...

Nguy cơ khủng hoảng lương thực lan rộng nhiều nơi trên thế giới

Các tổ chức quốc tế cảnh báo khoảng 58,1 triệu người đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng ở vùng Sừng Lớn của châu Phi. Tuy nhiên, nỗi lo mất an ninh lương thực không chỉ hiện hữu ở châu Phi, mà còn là “bóng ma” ám ảnh nhiều nơi trên thế giới.