Lễ hội cầu mùa của người Hà Nhì

Cứ độ tháng Sáu âm lịch hằng năm, người Hà Nhì đen ở Bát Xát lại rộn ràng tổ chức lễ hội cầu mùa - tiếng Hà Nhì gọi là Khô già già - một trong những bản sắc văn hóa đã được tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lợp lán cỏ chuẩn bị làm lễ.

Người Hà Nhì đen ở Bát Xát không biết lễ hội cầu mùa xuất hiện từ bao giờ, có từ đời nào, họ chỉ biết rằng từ khi cha mẹ sinh ra đã thấy lễ hội này được tổ chức hằng năm. Ông Ly Seo Chơ, nghệ nhân dân gian dân tộc Hà Nhì ở thôn Lao Chải 1, xã Y Tý cho biết: Từ khi tôi sinh ra, lúc 5 - 6 tuổi tôi đã thấy năm nào trong thôn cũng tổ chức lễ hội này. Nghe bố tôi kể, từ đời kỵ, cụ, ông nội của ông năm nào cũng đến ngày Thìn đầu tiên của tháng 6 âm lịch (có những năm vào ngày 6/6, nhưng cũng có những năm lệch ngày lễ hội bắt đầu từ 12/6), người Hà Nhì ở các thôn Lao Chải 1, 2, 3, 4 và các thôn Hà Nhì khác như Choản Thèn, Sín Chải 1, 2, Tả Gì Thàng, Mò Phú Chải… sắm 1 con trâu dâng tế thần linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu…

Lễ hội Khô già già là lễ hội cầu mùa đặc trưng nhất của cộng đồng người Hà Nhì đen ở Bát Xát, được duy trì tổ chức thường niên. Bất kể nghèo khổ hay khá giả, cứ đến ngày lễ hội, toàn thể dân bản cùng đóng góp tiền, mua sắm lễ vật và bỏ công sức tổ chức lễ hội. Nghệ nhân dân gian Ly Seo Chơ cho biết thêm: Từ xưa đến giờ, dù năm đó có mất mùa hay do chiến tranh, đến ngày lễ là toàn thể dân làng tập trung về trung tâm hành lễ ở cuối thôn để cùng nhau vui chơi lễ hội, cầu cho mùa màng tươi tốt, dân bản bình an.

Con trâu là vật tế thần trong lễ cầu mùa.

Xã Y Tý có 9 thôn người Hà Nhì sinh sống thì cả 9 thôn đều duy trì tổ chức lễ hội cầu mùa. Lễ hội tổ chức tại cộng đồng thôn, cầu mong sự sinh sôi, phát triển, cầu thần rừng, thần thổ địa, thần nước phù hộ bản làng bình yên, con người mạnh khỏe... Lễ hội được tổ chức tại khu đất bằng, có cây cối xanh tốt nằm ở cuối làng thuộc về phía Tây - mặt trời lặn. Khu đất tổ chức lễ hội phải ở gần khe nước hoặc mương nước, bên cạnh có ít nhất 2 cây gỗ xanh tốt, có bãi đất bằng để dựng cột đu và đu dây cho mọi người vui chơi.

Người Hà Nhì đen quan niệm mỗi khu rừng đều có những vị thần có ích cho dân bản cư trú, nếu ai có ý xâm phạm hay phỉ báng sẽ bị thần trừng phạt, gây cho làng bản bất an, con người và vật nuôi bị dịch bệnh, mất mùa. Chỉ vào lễ cúng rừng ngày Thìn tháng Giêng, người ta mới được chặt cây làm vai cày, bừa hoặc đến khi mở hội Khô già già, người ta mới được vào khu rừng thiêng chặt cây, dựng đu cây, đu dây.

Người Hà Nhì chơi đu quay trong lễ hội.

Phần lễ cầu mùa có các nghi thức, nghi lễ như: Nghi thức dựng lán - nơi đón thần linh về ngự trị và chứng kiến lễ hội; nghi lễ mổ trâu - chia thịt trâu cho các gia đình thành viên; nghi lễ cúng tổ tiên tại gia đình; nghi lễ dâng lễ vật cúng thần nông nghiệp và các thần linh bảo vệ làng; nghi lễ lấy lá đu quay nghi thức cho các thần đu quay và đu dây, sau mới đến người trong thôn vui chơi.

Lễ hội cầu mùa của người Hà Nhì đen kéo dài 5 ngày, bắt đầu từ ngày Thìn - Tỵ - Ngọ - Mùi - kết thúc ở ngày Thân. Nét độc đáo của lễ hội là một ngày lễ, kế đến là một ngày hội, rồi lại tiếp tục lễ, hội. Trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân được vui chơi thoải mái, thăm hỏi, chúc nhau những điều tốt lành. Ngày hội diễn ra sôi động bằng những truyền thuyết, nghi thức, nghi lễ, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, với người còn sống và người đã khuất, làm cho thế hệ trẻ người Hà Nhì đen hiểu được công lao to lớn của tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống dân tộc. Kết thúc lễ hội, người dân lại tiếp tục các công việc đồng áng.

Sau phần lễ, bà con trong bản tổ chức hát múa dân ca Hà Nhì.

Với định hướng biến di sản thành tài sản, lễ hội cầu mùa - Khô già già của người Hà Nhì đen được phát huy, bảo tồn, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, được du khách tới tham quan, trải nghiệm, góp phần tăng thu nhập cho người dân ở vùng cao Y Tý.

Theo LCĐT (http://baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/le-hoi-cau-mua-cua-nguoi-ha-nhi-z8n20200717080853812.htm)

Tin Liên Quan

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.