Về Bảo Yên (Lào Cai) thưởng thức bánh Lẳng

Được biết đến là món ăn đặc sản của người dân tộc Tày vùng núi Tây Bắc, bánh Lẳng là một món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, tết cũng như những dịp cúng tế quan trọng của người dân tộc Tày huyện Bảo Yên. Với vị thanh mát của gạo nếp hòa quyện với vị ngọt thanh của mật mía tạo nên hương vị đặc trưng, khiến người đã một lần được thưởng thức khó có thể quên vị của loại bánh này.

Bánh Lẳng - một món ăn được người Tày làm trong các dịp lễ tết.

Trong một lần được ghé đến vùng đất Lương Sơn, huyện Bảo Yên (Lào Cai), vùng đất với tỷ lệ người dân tộc Tày chiếm gần 67% tổng dân số, tôi đã được thưởng thức món bánh Lẳng, với vị thanh mát của gạo nếp hòa quyện với vị ngọt thanh của mật mía, khiến tôi ấn tượng mãi. ,.

Bánh Lẳng, một món ăn đã có từ rất lâu đời, được người Tày làm trong các dịp lễ tết, cúng lễ như cúng then để dâng lên tổ tiên và mời khách khi khách đến chơi nhà. Với người Tày nơi đây, trong mâm cỗ có thể không có nhiều thịt nhưng món bánh Lẳng thì nhất định phải có, vì chúng tượng trưng cho sự no đủ của cả năm.

Để có được chiếc bánh Lẳng ngon, người chế biến phải trải qua khá nhiều công đoạn. Công đoạn đầu tiên là chuẩn bị nước tro. Người Tày không chờ tới sát ngày làm bánh mới chuẩn bị nước tro mà họ chuẩn bị nước tro vào những ngày công việc rảnh rang. Họ lượm những loại cây lá như cây sắn, cây nhãn, cành bưởi, cây vừng đã hái quả, vỏ bưởi, lá chuối, thậm chí là rơm sau đó rửa sạch, phơi thật khô để đốt lấy tro.

Theo kinh nghiệm của người làm bánh lâu năm chia sẻ, muốn để cho bánh có màu đỏ đẹp phải lấy vỏ cây mơ, chừng 1 tới 2 miếng dài khoảng chừng 40 cm đem về đun, sau đó hòa vào nước lẳng, để cho lắng rồi chắt lấy nước. Gạo làm bánh phải là gạo nếp, ngon nhất khi dùng gạo nếp cái hoa vàng. Những hạt gạo được vo sạch, đãi sạn, dùng nước tro để ngâm. Ngâm gạo là cả một quy trình và kinh nghiệm. Gạo có màu trắng đục, đổ vào ngâm phải thay nước tro ba lần trong khoảng 9-10 tiếng đồng hồ, cứ 3 giờ thay một lần nước, như thế mới đủ độ thẩm thấu nước tro vào hạt gạo, sao cho màu hạt gạo chuyển từ trắng đục sang màu vàng nhạt có ánh hơi xanh, lấy tay trà xát, hạt gạo nhuyễn thành bột mới đạt yêu cầu.

Vị thanh mát của gạo nếp hòa quyện với vị ngọt thanh của mật mía tạo nên hương vị đặc trưng của món bánh Lẳng.

Một điều không thể thiếu để tạo nên sự thành công cho món bánh đặc biệt này phải kể đến lá dong. Lá dong dùng để gói bánh phải là loại lá dong đực, đây là loại lá dong nhỏ, có cuống trắng, thường được trồng xung quanh vườn nhà. Nếu dùng loại lá dong thường để dùng gói bánh chưng sẽ không tạo được độ vàng và bị dính bánh. Đáng chú ý, lá dong trước khi gói phải luộc qua cho mềm sau đó mới rửa để tạo độ mềm và không bị rách trong quá trình gói. Sau khi gói phải dùng tay lăn qua bánh để bánh không bị chặt tay.

Bánh Lẳng sau khi gói xong sẽ được đưa lên bếp và luộc. Để bánh đạt được độ ngon, người dân tộc Tày sẽ dùng hoàn toàn bằng bếp lửa. Bánh được cho vào nồi to và luộc trong vòng 4 tiếng, trong quá trình luộc bánh, sau khi trải qua 2 tiếng đầu, thời gian tiếp theo cứ chừng 30 phút, người luộc bánh phải mở ra xem 1 lần để quan sát độ mịn của bánh. Không giống như bánh chưng nếu đun quá thời gian thì sẽ bị chảy, bánh Lẳng đun càng lâu càng tốt vì khi đó, gạo nếp sẽ tạo ra một chất keo dính liên kết các hạt gạo với nhau, tạo nên vị ngon khó cưỡng cho món bánh này.

Một thứ không thể thiếu khi thưởng thức món bánh Lẳng chính là món mật dùng để chấm bánh. Loại mật được đồng bào người Tày ở đây dùng thường là mật mía. Để tạo ra loại mật này, người Tày có thể làm theo 2 cách. Các thứ nhất là dùng đường phên nấu cho ra mật, cách thứ hai là dùng nước ép từ cây mía trắng cô lại thành mật, thông thường dùng mật của cây mía sẽ có vị thơm ngon hơn so với đường phên. Trong quá trình nấu mật, người nấu phải chú ý sao cho mật không bị non hoặc quá cháy, nếu mật non sẽ bị hóa đường, còn mật đun quá tay sẽ bị cháy khét. Loại mật chấm này khi ăn cùng bánh sẽ có vị thanh, mát tạo nên hương vị đặc trưng vốn có của món bánh cổ truyền này.

Khi luộc xong, những chiếc bánh được vớt ra để trên nia hoặt treo từng bó lên cho khô nước, thông thường bánh Lẳng sẽ để được khoảng 1 tuần khi bảo quản trong tủ mát. Đặc biệt, món bánh này thường “đắt khách” trong những ngày Tết. Ngày Tết mọi người ăn nhiều thịt và uống nhiều rượu nên sinh ra háo và nóng dạ, khi đó vị man mát của những miếng bánh Lẳng chấm mật mía sẽ làm tan đi cái ngấy của thịt và giúp ta tỉnh táo hơn sau những bữa rượu vui cùng anh em, bạn bè.

Theo thời gian, ngày nay người dân tộc Tày Bảo Yên vẫn giữ truyền thống làm bánh Lẳng ăn trong những ngày Tết, ngày lễ. Nếu có dịp ghé thăm những bản làng người Tày sinh sống, hãy một lần thưởng thức món bánh lẳng để cảm nhận hương vị đặc biệt của ẩm thực đồng bào người Tày nói chung và người Tày ở Bảo Yên nói riêng.

Nguyễn Thảo

Tin Liên Quan

Thực hiện quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu tại huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa

Đó là mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Lào Cai.

Bánh chưng cốm của người Thái

Vùng đất Thẳm Dương (Văn Bàn) không chỉ nổi tiếng với giống nếp đệ nhất “nữ hoàng” Khảu Tan Đón, còn có món bánh chưng cốm đang được cấp ủy, chính quyền cùng đồng bào dân tộc Thái nơi đây xây dựng trở thành thương hiệu riêng.

Làng làm bánh chưng Ún Tà vào tết

Đến làng Ún Tà, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) những ngày tháng Chạp. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe tiếng máy cắt ống cây nứa, tiếng lách cách chẻ ống lam, đặc biệt là mùi gạo nếp thơm nức của những mẻ bánh chưng vừa luộc sẵn sàng phục vụ khách hàng chuẩn bị đón tết.

Dúa chỏ - Món quà vặt của vùng cao

Cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 10 km, xã Hoàng Thu Phố có 5 thôn, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quần thể cây chè di sản và bất cứ du khách nào đến Hoàng Thu Phố cũng được người dân mời thưởng thức món “dúa chỏ” (bánh nếp đường)...

Tạo sự đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu

Việc mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát...

Bản Hồ mùa cốm mới

Khi tiết thu se lạnh, những ruộng lúa nếp bắt đầu chắc hạt, người dân xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) háo hức bước vào vụ cốm mới. Những hạt cốm màu xanh ngọc, dẻo thơm càng cuốn hút du khách đến với vùng đất này.