Ưu tiên hành động của Liên hợp quốc

Năm 2020 là dấu mốc quan trọng với Liên hợp quốc (LHQ), khi tổ chức này kỷ niệm 75 năm thành lập. Tại buổi họp báo đầu năm vừa diễn ra, Tổng Thư ký LHQ A.Guterres đưa ra thông điệp về các ưu tiên hành động trong năm 2020, khẳng định quyết tâm của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới trong nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Ưu tiên hành động của Liên hợp quốc

Tổng Thư ký LHQ A.Guterres thăm một lớp học dành cho trẻ em tị nạn Syria. Ảnh Reuters

Tổng Thư ký LHQ Guterres cho rằng, “cơn gió hy vọng” thổi qua năm 2019 đã giúp LHQ đi đúng hướng trong việc tìm giải pháp cho một số điểm nóng, dù nhiều căng thẳng trên thế giới chưa chấm dứt. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đã nhận thấy những dấu hiệu của sự lắng dịu, nhờ một số biện pháp tiến bộ”. Tuy nhiên, Tổng Thư ký LHQ vẫn thừa nhận thực tế về tình trạng căng thẳng leo thang trở lại ở một số nơi, từ Libya cho tới Yemen, Syria và nhiều nơi khác. Bất ổn gia tăng và căng thẳng địa chính trị khó đoán tạo nên nguy cơ của “những cơn gió điên cuồng” càn quét toàn cầu. Trong khi đó, một số nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ bị phớt lờ, thậm chí khi văn bản còn chưa “ráo mực”.

Theo ông Gu-tê-rét, những bất ổn dường như liên kết lẫn nhau. Sự suy yếu của nền kinh tế kéo theo nạn đói nghèo dai dẳng, bất ổn gia tăng ảnh hưởng đầu tư, sự quản trị yếu tạo điều kiện cho các phần tử khủng bố trỗi dậy… Vì vậy, trong năm 2020, LHQ tập trung các nỗ lực nhằm phá vỡ vòng luẩn quẩn của khổ đau và xung đột, thúc đẩy mạnh mẽ hơn ngoại giao vì hòa bình.

Nỗ lực hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng là một ưu tiên trong chương trình nghị sự của LHQ. Thời gian vừa qua, thế giới ghi nhận những con số đáng báo động về biến đổi khí hậu. Năm 2019, nhiệt độ đại dương và mực nước biển trung bình ở mức cao nhất trong lịch sử. Theo các nhà khoa học, nhiệt độ của đại dương năm 2019 tăng gấp 20 lần tổng năng lượng mà nhân loại tiêu thụ kể từ năm 2000 đến nay. Trong khi đó, băng vĩnh cửu dần biến mất, giải phóng một lượng lớn khí mê-tan, loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn nhiều so với các-bon đi-ô-xít, đẩy nhanh tốc độ nóng lên toàn cầu. Khói từ cháy rừng tại Australia tạo thành một vòng luẩn quẩn theo đúng nghĩa đen, bao trùm cả thế giới, với lượng khí thải các-bon tương đương nửa lượng khí phát thải của nước này trong năm 2018.

Dù nhận thức đã thay đổi, các chương trình hành động của chính phủ các nước và khu vực tư nhân đạt một số kết quả nhất định, song thách thức với các vấn đề môi trường vẫn tồn tại, trong đó nổi bật là nạn lạm dụng nhiên liệu hóa thạch. Người đứng đầu LHQ kêu gọi các quốc gia, nhất là những nước phát thải khí các-bon hàng đầu thế giới, đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các hội nghị lớn trong năm 2020, nhất là Hội nghị cấp cao của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức tại Anh sẽ là cơ hội để hành động.

Liên quan các mục tiêu phát triển bền vững, ông Guterres cho biết, LHQ sẽ tiếp tục các nỗ lực phá vỡ vòng luẩn quẩn giữa đói nghèo và bất bình đẳng, để định hình một môi trường toàn cầu hóa, mà trong đó không ai bị bỏ lại phía sau. Khi thách thức gia tăng trong tất cả các lĩnh vực, vai trò của các thể chế đa phương cần được đề cao hơn bao giờ hết. Ông Guterres cam kết tiếp tục các nỗ lực để thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa LHQ và các tổ chức quốc tế đa phương để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Tập trung tìm kiếm giải pháp cho các căng thẳng chính trị, đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường sự phối hợp với các thể chế đa phương khác là những ưu tiên hành động của LHQ trong năm 2020. Song, để khẳng định vai trò là “nhà kiến tạo” các giải pháp cho thách thức toàn cầu, LHQ vẫn cần tới sự đồng thuận và hỗ trợ của mỗi quốc gia thành viên, vì sự phát triển chung của nhân loại.

https://nhandan.org.vn/thegioi/tin-tuc/item/43299502-uu-tien-hanh-dong-cua-lien-hop-quoc.html

Theo Báo Nhân dân

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...