Người đem “luồng gió mới” cho xã Nậm Sài

Sau gần 5 năm về nhận công tác, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Trường Chinh đã thổi “luồng gió mới” khiến vùng đất cằn cỗi Nậm Sài ngày một thay da đổi thịt. Nhiều mô hình phát triển kinh tế mới được áp dụng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

 Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng, chúng tôi cũng có mặt tại xã Nậm Sài, khi mà chỉ còn chưa đến một tuần nữa là Sa Pa sẽ tổ chức công bố thành lập thị xã. Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ đang bề bộn với rất nhiều tài liệu, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Sài, Nguyễn Trường Chinh phân trần: “Bận quá các anh ạ, chúng tôi vừa hoàn thành cuốn Lịch sử đảng bộ xã Nậm Sài, giai đoạn 1962- 2019, sau gần hai năm triển khai. Tổng kết cuối năm 2019, bây giờ lại đang chuẩn bị cho đại hội các chi bộ trực thuộc đảng bộ xã theo hướng dẫn Huyện ủy về tổ chức đại hội các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, nhiệm kỳ 2020- 2023 và đại hội đảng bộ cơ sở. Chuẩn bị cho việc sáp nhập 2 xã Nậm Sài, Nậm Cang thành xã Liên Minh theo công văn của Huyện. Tôi đang phải duyệt lại các báo cáo của anh em cho kịp tiến độ các anh đợi một chút nhé…”.

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Trường Chinh (áo trắng) tham quan mô hình trồng cam gia đình ông Minh thôn Bản Sài

 Khi được biết, mục đích của chúng tôi là liên hệ viết bài về xã và viết một bài về gương cá nhân điển hình của anh, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Sài, Nguyễn Trường Chinh gạt đi: “Các anh viết về xã, về đồng bào, về những cán bộ dân tộc ấy, chứ tôi thì có gì mà viết…”.  Sau một hồi “làm công tác tư tưởng” cuối cùng, anh Chinh cũng trải lòng: “Tôi vốn theo nghề sư phạm, rời quê  hương Lập Thạch, Vĩnh Phúc, lên công tác tại Sa Pa từ năm 1999. 4 năm gắn bó với đồng bào các dân tộc tại các xã Sử Pán, Thanh Phú… hơn ai hết, bản thân tôi rất hiểu cuộc sống của bà con. Năm 2003, sau khi về công tác tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy rồi làm Phó Giám đốc đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, đến năm 2015, được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ về làm Bí thư Đảng ủy xã Nậm Sài. Tôi rất phấn khởi, nhưng cũng rất lo… Những ngày đầu về nhận công tác tại xã Nậm Sài, trăn trở lớn nhất của tôi là phải làm sao tìm được hướng đi cho người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, để vươn lên thoát nghèo. Trong khi cuộc sống người dân ở nơi đây còn quá khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Tuy nhiên, nhờ có kinh nghiệm thực tiễn qua nhiều công việc, giữ nhiều chức vụ khác nhau, đặc biệt là quá trình công tác tại các cơ quan tuyên truyền đã giúp tôi nhận thức được rõ vai trò của công tác dân vận, tuyên truyền, vận động Nhân dân trong thay đổi tư duy, nhận thức, phát triển kinh tế. Nên tôi quyết tâm, vạch ra kế hoạch, bàn bạc thống nhất với  Ban chấp hành Đảng bộ xã, đưa vào các Nghị quyết để triển khai, thực hiện”.

Việc đầu tiên, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Trường Chinh đã cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã làm là xây dựng chương trình hành động toàn khóa, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách các chi bộ thôn; chủ động đến từng chi bộ, dự họp với dân, khảo sát địa bàn, tìm ra thế mạnh phát triển kinh tế ở từng thôn, từ đó định hướng, phân tích cho Nhân dân thay đổi tư duy, đổi mới phương thức canh tác, mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; chủ động xây dựng các chương trình hành động, nghị quyết, kế hoạch như: Nghị quyết số 03 về chống thả rông gia súc trên địa bàn xã Nậm Sài; Nghị quyết số 07 về phát triển cây ăn quả có múi, giai đoạn (2016 - 2020), Nghị quyết số số 23 về phát triển đại gia súc và trồng cỏ, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn xã Nậm Sài…

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao thu nhập cho người dân, anh Chinh cùng lãnh đạo UBND xã và các đoàn thể đã tích cực vận động người dân tham gia vào các mô hình phát triển kinh tế mới như: trồng cam, trồng dưa hấu, cỏ VA06, làm chuồng nuôi nhốt gia súc, tăng vụ trên đất ruộng…Để người dân tin và làm theo, cấp ủy, chính quyển xã đã tổ chức các đoàn tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế hiệu quả ở các địa phương khác như: Mô hình trồng quýt ở huyện Mường Khương; mô hình chăn nuôi bò ở xã Minh châu, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội; đề nghị huyện mở các lớp dạy nghề chăn nuôi, trồng cây có múi…Cùng với đó việc tìm đầu ra cho các sản phẩm: dưa hấu, ngô, khoai tây, cam…cũng được chú trọng, tạo thị trường đầu ra ổn định, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Đến nay nhiều mô hình được đánh giá thành công, nhiều hộ có thu nhập khá từ các mô hình phát triển kinh tế mới.

Đồng chí Nguyễn Trường Chinh, người có công phát triển mô hình bò nuôi nhốt tại xã Nậm Sài

Tình cờ biết về mô hình nuôi nhốt bò tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội qua một người bạn, anh Chinh đã lên ý tưởng, lập dự án và báo cáo huyện phê duyệt, đồng thời tổ chức những hộ gia đình có khả năng tiếp nhận dự án về Minh Châu, Ba Vì tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, Bí thư Chinh đã kêu gọi, vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm từ thiện, bằng hỗ trợ bò giống…giúp người dân giảm chi phí đầu tư ban đầu. Dự án được vay vốn ngân hàng chính sách hỗ trợ lãi suất ba năm không lãi, Nhân dân Nậm Sài hồ hởi đón nhận. Đến nay, mô hình trang trại nuôi bò sinh sản nhốt chuồng ở Nậm Sài đã phát huy hiệu quả, đàn bò phát triển nhanh (từ 38 con, năm 2015 đã tăng lên 197 con, năm 2019), nhiều hộ dân Xa Phó đã có 4-5 con bò sinh sản. Mô hình nuôi bò sinh sản, trồng cỏ, nuôi nhốt là mấu chốt để giảm nghèo bền vững ở Nậm Sài.

Ngoài ra, mô hình đưa cây dưa hấu vào trồng đại trà ở 5 thôn với diện tích trên 30 ha mang về giá trị kinh tế 1,5- 1,8 tỷ; mô hình chuyển đổi diện tích đất nương đồi trồng sắn, ngô sang trồng cây ăn quả có múi được triển khai ở một hộ năm 2015 với diện tích 3ha đã tăng 60,2ha với 75 hộ năm 2019, hiện đã có 5ha cam cho thu hoạch, giá trị kinh tế đạt khoảng 3,5 tỷ/năm;  Nhân dân các thôn Bản Sài, Nậm Sang, Nậm Kéng tích cực canh tác tăng vụ trên đất ruộng từ một vụ với diện tích từ 8-15 ha cây khoai tây, rau (vụ hè thu); 5- 7ha cây ngô nếp( vụ đông xuân)…đều có một phần công sức không nhỏ của Bí thư đảng ủy xã Nậm Sài Nguyễn Trường Chinh. Đây thực sự đang trở thành “chìa khóa” giúp người dân Nậm Sài xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Có thể nói, những kết quả đạt được từ những mô hình phát triển kinh tế mới mà Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Trường Chinh là người khởi xướng như một “luồng gió mới” giúp vùng đất cằn cỗi Nậm Sài ngày nào dần thay da đổi thịt. Phong trào chung sức xây dựng nông thôi mới cũng nhờ đó đạt được những thành tựu đáng kể, đến nay xã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (tăng 9 tiêu chí so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 70,4 % năm 2015 xuống 29,37% năm 2019.

 Bí thư Đảng ủy xã Nậm Sài Nguyễn Trường Chinh chia sẻ: “Chìa khóa thành công cho mọi nhiệm vụ chính là có được sự đồng lòng của Đảng bộ, Chính quyền và sự ủng hộ của Nhân dân các dân tộc Nậm Sài. Trong đó, bản thân người cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, gần gũi, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Mà trước hết, bản thân mình là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, nói đi đôi với làm….Chỉ cần cuộc sống người dân được nâng lên thì những người cán bộ như chúng tôi không bao giờ ngại khó, ngại khổ”.

 Tròn 20 năm gắn bó với mảnh đất Sa Pa, trải qua rất nhiều cương vị công tác, nhưng dù ở cương vị nào, anh Nguyễn Trường Chinh cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nêu cao tinh thần của một người đảng viên gương mẫu, đi dân nhớ, ở dân thương. Với những thành tích đó, trong những năm qua Nguyễn Trường Chinh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, huyện. Nhưng với anh Chinh, phần thưởng cao quý nhất chính là được phục vụ Nhân dân, được người dân tin yêu và tín nhiệm. Sự tín nhiệm thể hiện rõ qua những mô hình phát triển kinh tế mới được Nhân dân tin và làm theo, ngày càng phát huy hiệu quả, giúp Nậm Sài trở thành điểm sáng trong  công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới./.

Lê Hưng

Tin Liên Quan

Đảng viên trẻ xây dựng cáp treo nơi cao nhất Phìn Ngan

Lan tỏa tinh thần thi đua lao động, sáng tạo

Với chủ đề “Đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - hành động - phát triển”, phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và bảo đảm quốc phòng - an ninh đã được triển khai ở khắp các cơ quan, đơn vị, địa phương, từ đó nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt, tập...

Phụ nữ xã Thẳm Dương nâng cao thu nhập với mô hình cốm “Khảu Tan Đón”

Thực hiện Dự án 8 về “thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Hội Phụ nữ xã Thẳm Dương (huyện Văn Bàn) đã xây dựng mô hình Tổ liên kết sản xuất cốm “Khảu Tan Đón” do phụ nữ làm chủ. Sau...

Lào Cai có 1 tập thể và 1 cá nhân được tôn vinh tại Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” lần thứ 11

Trong chuỗi hoạt động của Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” lần thứ 11, tối 13/10, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức Lễ tôn vinh 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 và 63 hợp tác xã tiêu biểu.

Nữ nông dân Sa Pa ''biến'' rau gia vị quen thuộc thành ''vàng'' xuất khẩu

Chị Trần Anh Xuân (SN 1990, ở thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã biến cây tía tô từ một loại gia vị quen thuộc hàng ngày thành các sản phẩm tinh dầu, trà... được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Chi bộ Khe Thượng Làng Mới làm nhiều việc tốt

Thời gian qua, cán bộ và Nhân dân thôn Khe Thượng Làng Mới, xã Cốc Lầu đã phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực lao động, sản xuất, tham gia xây dựng nông thôn mới, trở thành điểm sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Bắc Hà.